Kinh tế

Sản xuất nông sản sạch để ra "biển lớn"

Thanh Nga 07/03/2023 11:53

Thay đổi tư duy, khai thác tiềm năng, lợi thế để sản xuất nông sản sạch được tỉnh Đắk Nông xác định là chiến lược phát triển lâu dài đối với ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Côn ở thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút), có 2.000 cây hồ tiêu. Thời gian qua, ông đã thay đổi cách chăm sóc vườn tiêu theo hướng nông nghiệp sạch.

Cụ thể, ông tham gia vào HTX Sản xuất TM-DV Bình Minh và được tập huấn về kỹ thuật ủ phân vi sinh, hữu cơ. Nhờ đó, ông có nguồn phân hữu cơ để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance.

img_0047(2).jpg
Sản phẩm trái cây của huyện Đắk Glong tham gia đánh giá sản phẩm OCOP năm 2022

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các phương pháp sản xuất nông sản sạch. Hội thành lập các tổ hợp tác, HTX, các vùng sản xuất nông sản như: rau, củ, quả, hồ tiêu, cà phê, lúa, xoài, sầu riêng… được chứng nhận VietGap, GloballGAP, hữu cơ, sinh học…

Hội Nông dân tỉnh thành lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức như: xây dựng cánh đồng, vùng sản xuất an toàn; không sử dụng hóa chất độc hại; đầu tư các thùng rác, bể chứa rác để chứa vỏ chai, lọ, bao bì độc hại…

Từ những cách làm này, Hội Nông dân tỉnh đã giúp nhiều nông dân, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn.

444(2).jpg
Nhiều nông sản Đắk Nông được sản xuất hữu cơ, dán tem truy xuất nguồn gốc để khẳng định thương hiệu

Nhiều năm qua, HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) ứng dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, quýt bằng phương pháp hữu cơ.

HTX tự sản xuất phân bón, thuốc hữu cơ để chăm sóc vườn cây ăn trái. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được chứng nhận tiêu chuẩn an toàn và vào hệ thống các siêu thị trong nước.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Một số bộ phận nông dân thậm chí cố tình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định kỹ thuật vì mục đích lợi nhuận của mình, xem nhẹ luật pháp và lợi ích cộng đồng.

Điều này dẫn đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản rất cao, mất an toàn thực phẩm. Vì thế, chất lượng sản phẩm không bảo đảm, ảnh hưởng đến các cá nhân, tập thể sản xuất nông sản sạch của tỉnh.

Tại Hội nghị đối thoại với nông dân diễn ra vào tháng 10/2022, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón tăng trưởng là một trong những vấn đề khiến cho nông sản của Đắk Nông chưa thể đi vào đường chính ngạch để tới các thị trường lớn.

Nông dân cần có nhận thức lâu dài về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thì chỉ quanh quẩn “ao vườn”, không thể đi ra được những thành phố lớn, các trung tâm thương mại lớn.

Do đó, bà con nông dân nhận thức được vấn đề này, tính đường lâu dài. Bà con phải có sự chọn lựa đúng về sản xuất nông sản sạch.

Để sản phẩm nông sản ra “biển lớn”, không thể có dư lượng thuốc trừ sâu, các chất kích thích tăng trưởng. Từ thực tế này, Đắk Nông cần tiếp tục chuyển đổi hình thức canh tác.

Người dân cần có tư duy đổi mới. Đó là sản xuất nông sản sạch để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Sản xuất nông nghiệp phải tạo ra được sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn, đủ điều kiện vào các siêu thị, các sàn thương mại, xuất khẩu...

Đắk Nông hiện có tổng diện tích cây hằng năm trên 87.600 ha; cây lâu năm trên 226.900 ha. Toàn tỉnh có 21 cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, với diện tích 654,33 ha. 

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Sản xuất nông sản sạch để ra "biển lớn"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO