THÀNH CÔNG TỪ NHỮNG MÔ HÌNH NHỎ
Năm 2000, Doanh nghiệp tư nhân Tùng Anh ở xã Nam Bình (Đắk Song) được kinh phí khuyến công hỗ trợ vốn và kỹ thuật đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất bao bì.
Theo đó, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích rộng hơn 2.000m2. Dây chuyền sản xuất khép kín, thay thế hoàn toàn cho lao động thủ công. Vì thế, chi phí sản xuất giảm xuống, năng suất lao động, sức cạnh tranh của hàng hóa cũng ngày càng tăng cao.
![]() |
DNTN Tùng Anh, xã Nam Bình (Đắk Song) |
Hiện tại, công suất hoạt động của nhà máy vào khoảng 30.000 cái/tháng. Sản phẩm bao bì của doanh nghiệp có mặt ở 20 đại lý kinh doanh trên địa bàn tỉnh, với giá thành từ 1.800 - 3.000 đồng/cái tùy theo từng trọng lượng của bao. Ước tính, doanh thu của đơn vị trong năm nay cao gần gấp đôi so với năm trước, vào khoảng gần 2 tỷ đồng.
Ông Phạm Xuân Tùng, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: “Để tiếp tục giữ vững nhịp sản xuất, ngoài việc quan tâm tới chất lượng, doanh nghiệp đã và đang tập trung sản xuất ra nhiều chủng loại bao bì khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vừa qua, đơn vị cũng đã đi khảo sát và mang sản phẩm sang chào hàng ở Campuchia - một thị trường rất giàu tiềm năng, trong khi chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất bao bì ở đây, mà chủ yếu nhập về từ nước ngoài. Đây cũng chính là hướng đi mới của doanh nghiệp trong năm tới”.
Tương tự, nhờ nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu của khách hàng nên trong năm 2015, cùng với việc hỗ trợ kinh phí từ đề án khuyến công, Cơ sở Mộc Lương Thành Hồng ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) cũng đã mạnh dạn đầu tư thêm các máy móc mới phục vụ cho quá trình sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm đã ngày càng đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng của thị trường, vừa phong phú về kiểu dáng, đa dạng về mẫu mã. Công suất hoạt động của cơ sở cũng đã tăng từ 150 sản phẩm lên 500 sản phẩm/năm, doanh thu đạt hơn 2,4 tỷ đồng.
So với trước đây, với việc ứng dụng công nghệ hiện đại mới, cơ sở cũng đã tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu trong quá trình sản xuất; đồng thời, tăng thêm độ chính xác, độ sắc sảo và tính thẩm mỹ cho hàng hóa...
![]() |
Cơ sở Mộc Lương Thành Hồng ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) |
GÓP PHẦN CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH
Theo ông Trần Ngọc Thành, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) thì những năm gần đây, các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và quy mô. Đến nay, toàn tỉnh đang có hơn 2.300 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động, tăng 213 cơ sở so với năm 2011.
Giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh trong những năm qua đã tăng trưởng bình quân là 12%/năm; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Sự phát triển này cũng đã góp phần rất lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu ngành cho các địa phương.
Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã thực hiện được 54 đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 99 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ là hơn 8,4 tỷ đồng. Nhiều nội dung hỗ trợ của chương trình khuyến công đã được tập trung triển khai như hỗ trợ đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị và ứng dụng công nghệ mới trong chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức tham quan học tập, tìm hiểu ở các tỉnh bạn về kinh nghiệm hoạt động khuyến công, phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng CN-TTCN; tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm...
Để Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phát huy hiệu quả, ngành Công thương sẽ tăng cường hơn nữa trong việc bám sát cơ sở, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất CN-TTCN và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.