Khảo sát do hãng Reuters công bố ngày 1/4 cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc - Caixin/S&P Global đã tăng lên 51,1 điểm trong tháng 3/2024, từ mức 50,9 của tháng trước. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất trong 13 tháng qua, với niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong 11 tháng.
Kết quả này cũng góp phần củng cố khảo sát PMI chính thức được công bố vào ngày 31/3 cho thấy, hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc lần đầu tiên tăng trưởng trong vòng 6 tháng.
Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng 3,1% trong tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp nhờ nhu cầu chip mạnh mẽ.
Ở Nhật Bản, cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương nước này cho thấy, trong khi tâm lý của các nhà sản xuất lớn có phần u ám, sự lạc quan của các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ lại đạt mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua trong quý đầu tiên của năm 2024.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất đều suy yếu ở hầu hết các khu vực khác ở châu Á, bao gồm các cường quốc xuất khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như ở Đài Loan (Trung Quốc) hay Malaysia.
Chỉ số PMI của Nhật Bản ở mức 48,2 điểm trong tháng 3/2024, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, cho thấy sự phục hồi từ mức 47,2 điểm của tháng 2/2023 - thời điểm đánh dấu tốc độ giảm nhanh nhất trong hơn 3 năm rưỡi qua.
Tuy vậy, cuộc khảo sát cũng cho thấy hoạt động sản xuất suy giảm tháng thứ 10 liên tiếp do số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới sụt giảm, phản ánh tâm lý tiêu cực tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Bắc Mỹ.
Hoạt động sản xuất của Hàn Quốc cũng suy yếu trong tháng 3 do nhu cầu trong nước chậm lại, ngược với thực trạng doanh số bán hàng tăng mạnh ở nước ngoài với chỉ số PMI từ mức 50,7 trong tháng 2 đã giảm xuống 49,8 trong tháng 3.
Các cuộc khảo sát cho thấy, chỉ số PMI của Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm từ mức 48,6 trong tháng 2 xuống 49,3 điểm trong tháng 3, trong khi PMI của Malaysia giảm từ 49,5 điểm xuống 48,4.
Ngược lại, các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất lại mở rộng ở Philippines và Indonesia trong tháng 3/2024.
Chỉ số PMI yếu nêu bật thách thức mà các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải đối mặt khi ứng phó với những dấu hiệu phục hồi không đồng đều của cầu toàn cầu, cùng sự không chắc chắn về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Chuyên gia Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng nhẹ nhưng đó là do hàng hóa của họ rẻ. Điều đó có nghĩa là các nền kinh tế châu Á khác phải cạnh tranh với Trung Quốc vì cầu thế giới không tăng”.
Ông Toru Nishihama nói thêm: “Không có động lực tăng trưởng toàn cầu rõ ràng, thật khó để vẽ ra một triển vọng tươi sáng cho châu Á”.
Trong dự báo triển vọng tăng trưởng sửa đổi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ và sự thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, định chế tài chính này cũng cho biết, sự phục hồi sẽ khác nhau giữa các nền kinh tế với Nhật Bản có thể sẽ chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại ở mức 0,9%, trái ngược với mức tăng trưởng dự kiến 6,5% ở Ấn Độ. IMF cũng đưa ra dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, chậm lại so với mức 5,2% năm 2023.