Sản xuất công nghiệp Đắk Nông - nhìn lại 2020 để vươn lên

Lê Dung| 23/02/2021 09:22

Sản xuất công nghiệp của Đắk Nông trong năm 2021 được xác định vẫn còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã có những chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.

Tiết kiệm chi phí sản xuất

Trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV vẫn duy trì được sản lượng giao khoán và đạt mức tiết kiệm chi phí từ 3-5%.

Nhiều chỉ tiêu tiết kiệm chi phí trong sản xuất được Công ty Nhôm Đắk Nông -TKV triển khai trong năm tới

Để đạt được mục tiêu trên, ngay đầu năm, Ban giám đốc công ty đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác khoán, quản trị chi phí. Theo đó, đơn vị đã tập trung rà soát lại toàn bộ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Từ đó xem xét, đánh giá hiệu quả một số hạng mục sửa chữa nhà cửa, vật kiến trúc, và tạm dừng triển khai sửa chữa những thiết bị chưa nhất thiết.

Ở khâu thu hồi vật tư cũng được đơn vị phân loại, đánh giá, phục hồi và đưa vào tái sử dụng những vật tư còn giá trị sử dụng. Doanh nghiệp đẩy mạnh tin học hóa, cải tiến kỹ thuật, nhằm giảm mức tiêu hao nguyên vật liệu chính như xút, than, chất trợ lắng… trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất alumin.

Đơn vị cũng đã thực hiện việc bố trí lao động sao cho hợp lý nhất, áp dụng cải tiến, sáng kiến kỹ thuật… để làm tăng năng suất lao động và công suất của nhà máy. Nhờ đó, năm 2020, công ty đã tiết giảm được 228 tỷ đồng, vượt 95% mức tiết giảm của Tập đoàn giao. Đơn vị cũng đã trả về cho Tập đoàn 55 tỷ đồng do tiết giảm định mức than cám…

Trong năm 2021, doanh nghiệp đặt ra mục tiêu cụ thể là tiết kiệm chi phí tối thiểu 2% kế hoạch giao; đồng thời, kiểm soát tốt hơn nữa tình hình sử dụng chi phí sản xuất, kinh doanh. Qua đó tiết kiệm chi phí ở mức tối đa có thể, quản lý chặt chẽ chi phí vật tư công nghệ, vật tư cơ điện và cường hóa công suất của Nhà máy alumin.

Nhiều giải pháp được đơn vị đưa ra để đạt mục tiêu trên như: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm diện khai thác thường xuyên, phối trộn quặng ngay tại khai trường nhằm đạt chất lượng quặng đầu vào ổn định hàm lượng nguyên liệu sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu về định mức tiêu hao vật tư công nghệ…

Đặc biệt, ở khu vực nhiệt điện sẽ tiếp tục duy trì, vận hành ổn định các lò hơi, sử dụng hơi và phát điện tối ưu nhất theo phụ tải của nhà máy…

Nắm bắt diễn biến của thị trường

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) thì năm 2020 là năm khó khăn chung đối với nền kinh tế, nhưng riêng doanh nghiệp lại khá may mắn. Những ngày đầu năm trước, khi dịch bệnh mới bùng phát ở Trung Quốc, nhờ kinh nghiệm dày dặn từ những lần khủng hoảng trước, công ty đã kịp thời nắm bắt và lập tức chuyển tất cả nguồn hàng về thị trường châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông.

Sản xuất hạt điều tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp)

Thời điểm các nước châu Âu dịch bắt đầu bùng phát, người dân ở đây đã đổ xô đi mua hàng khô về dự trữ nên bất ngờ giúp doanh nghiệp thắng lớn ở thị trường này. Cho đến khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh, doanh nghiệp lại tiếp tục cập nhật được thông tin kịp thời và quay trở lại thị trường này với sản phẩm điều rang muối.

Hai quyết định nhạy bén, chính xác ở những thời điểm quan trọng đã giúp hàng hóa của doanh nghiệp luôn được lưu thông thuận lợi. Nhờ đó, trong năm 2020, sản lượng điều xuất khẩu của công ty đạt khá cao, với gần 2.000 tấn, tăng gần 200% so với năm trước.

Bà Nguyệt chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, công ty ngày nào cũng cập nhật thông tin từ các “mặt trận” về để có hướng tốt cho hàng hóa xuất khẩu của mình. Kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của công ty thời gian qua chính là nắm bắt chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới. Có như thế, doanh nghiệp mới chủ động được các tình huống có thể xảy ra và sớm có hướng xử lý đúng đắn cho bất kỳ thay đổi nào từ thị trường”.

Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2020 của Đắk Nông đã tăng 6,19%. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 3,98%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,16%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 13,65%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,36%.

Nhiều nỗ lực cho 2021

Năm 2021, cùng với những nỗ lực từ doanh nghiệp, ngành Công thương của tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Theo ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương, trong năm 2021 ngành sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để thực hiện đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh như: Chế biến nông, lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bô xít, các sản phẩm sau nhôm...

Cùng với đó, ngành tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện liên kết sản xuất gắn với người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đổi mới, cải tiến công nghệ, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nói chung, ngành Công thương cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sản xuất và triển khai thực hiện dự án, nhất là những dự án lớn, trọng điểm, có đóng góp lớn đối với tăng trưởng và có sự lan tỏa đối với phát triển.

Trong đó, đơn vị tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định sản xuất của Nhà máy alumin Nhân Cơ và nghiên cứu phương án cường hóa, phát huy tối đa năng suất công nghệ. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân nhôm sẽ được hỗ trợ đắc lực hơn nữa để sớm hoàn thành và đi vào hoạt động đạt công suất theo thiết kế giai đoạn I.

Đối với các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, các dự án thủy điện, điện mặt trời, hạ tầng thương mại sẽ được xúc tiến đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch.

Đặc biệt, đơn vị sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường các nước thành viên CTTP, EVFTA, các nước ASEAN. Qua đó cơ cấu lại thị trường xuất khẩu cho từng loại nông sản của tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, nhằm hạn chế rủi ro xảy ra khi sản phẩm tham gia xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp, ngành Công thương cũng khuyến cáo nên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, cập nhật các yêu cầu điều kiện từ thị trường xuất nhập khẩu. Trong đó, thực hiện xuất khẩu đơn hàng theo đúng thông lệ quốc tế và chủ động các biện pháp để chuyển đổi các hình thức chính ngạch như: Tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm dịch, kiểm nghiệm, quy cách đóng gói...

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/san-xuat-cong-nghiep-dak-nong-nhin-lai-2020-de-vuon-len-84792.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/san-xuat-cong-nghiep-dak-nong-nhin-lai-2020-de-vuon-len-84792.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Sản xuất công nghiệp Đắk Nông - nhìn lại 2020 để vươn lên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO