
Thách Thức Trong Sản Xuất Cà-Phê Bền Vững
Cà-phê đã được phê duyệt là vùng nguyên liệu thí điểm trong năm vùng nguyên liệu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện, diện tích trồng cà-phê cả nước khoảng 710.000 ha, chủ yếu tập trung tại khu vực Tây Nguyên. Đây là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đồng thời tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Tô Việt Châu, ngành cà-phê Việt Nam đang gặp vấn đề về quản lý chất thải trong sản xuất. Tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ đã tác động tiêu cực đến nguồn nước, sức khỏe cộng đồng và uy tín cà-phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thực tế sản xuất cho thấy, việc quản lý chất thải trong sản xuất cà-phê tại Tây Nguyên còn nhiều hạn chế do nhận thức của người nông dân, công nghệ xử lý chưa đồng bộ và thiếu chính sách hỗ trợ. Chất thải từ sản xuất cà-phê như vỏ quả, bã cà-phê,nước thải chế biến; bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... chưa được thu gom và xử lý đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất và phát thải khí nhà kính. Tập quán trồng xen cây ăn quả với cà-phê làm tăng nguy cơ nhiễm chéo các loại thuốc bảo vệ thực vật, gây phức tạp cho việc kiểm soát dư lượng thuốc tối đa trong hạt cà-phê.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết, bảo đảm sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải đúng cách là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ từ chính sách đến hành vi của người sản xuất. Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt dự án “Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà-phê tại Việt Nam”. Dự án được triển khai tại địa bàn Tây Nguyên trong năm 2024 và 2025, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì, với sự tài trợ của Diễn đàn Cà-phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam.
Sản Xuất Cà-Phê Có Trách Nhiệm
Trưởng đại diện GCP tại Việt Nam Phạm Quang Trung nhấn mạnh: “Hiện các thị trường quan trọng như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản… ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Do đó, hành động trách nhiệm trong sản xuất, chế biến cà-phê là điều kiện để cà-phê Việt Nam vững bước ra thế giới”.
Thực hiện các mục tiêu dự án, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 360 học viên của các tỉnh Tây Nguyên; hai hội thảo tham vấn chính sách để xây dựng giải pháp thu gom và quản lý chất thải trong sản xuất cà-phê; hai tọa đàm truyền thông để lan tỏa nhận thức và trách nhiệm về môi trường trong cộng đồng. Qua đó, dự án đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng và người sản xuất cà-phê về sự cần thiết của việc thu gom, xử lý chất thải đúng cách; nắm bắt được các yêu cầu khắt khe của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cà-phê. Dự án cũng phổ biến kiến thức và kỹ năng thiết yếu để áp dụng các quy trình canh tác bền vững; cung cấp thông tin và khuyến nghị cho các cơ quan quản lý và các bên liên quan, để xem xét và điều chỉnh các chính sách trong sản xuất cà-phê an toàn, chất lượng và bền vững.
Anh K’Cường, nông dân trồng cà-phê ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 2 ha cà-phê đặc sản arabica đang sản xuất theo hướng bền vững. Được sự hỗ trợ từ dự án, chúng tôi đã tiếp cận được giải pháp quản lý cỏ dại, thuốc sinh học trừ cỏ và xử lý chất thải trong sản xuất”.
Doanh nghiệp Bình Đông Farm ở huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng hiện có 90 ha chuyên canh cây cà-phê và 2,5 ha nhà xưởng. Ông Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Farm, nhận định, vấn đề then chốt trong sản xuất cà-phê bền vững là xử lý nước thải và vỏ cà-phê trước khi thải ra môi trường. Bình Đông Farm ưu tiên các giải pháp ít phải sử dụng nước trong các nhà máy chế biến ướt và nhà máy xát vỏ, sàng phân loại hạt cà-phê. Vỏ cà-phê được tận dụng làm phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học, còn nước thải sau khi xử lý được tái sử dụng.
Hiện nay, Lâm Đồng có 176.000 ha cây cà-phê, trong đó diện tích kinh doanh là 169.000 ha, sản lượng gần 600.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 86.000 ha cà-phê đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, VietGAP, 4C; 170 cơ sở chế biến. Năm 2024, sản lượng xuất khẩu cà-phê nhân hơn 50.000 tấn, giá trị xuất khẩu 170 triệu USD. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc, hằng năm, nông dân canh tác cà-phê tại địa phương sử dụng hơn 350.000 tấn phân bón. Việc xử lý chất thải khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề luôn được tỉnh quan tâm. Ngành chức năng tỉnh sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về thu gom, xử lý phụ phẩm, bao gói thuốc bảo vệ thực vật; xử lý chất thải, nước thải.
Ông Lê Quốc Thanh cho biết, năm 2024, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, với kim ngạch 5,48 tỷ USD, tuy giảm 18,8% về lượng nhưng tăng 29,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu nước ta xuất khẩu cà-phê vượt mốc 5 tỷ USD, điều đó minh chứng, chúng ta đã tiếp cận được chuỗi sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc tiếp cận nền sản xuất bền vững, chất lượng và tăng trưởng xanh.
Để sản xuất cà-phê an toàn và bền vững, đáp ứng thị trường xuất khẩu, ông Thanh nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên là tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức lại sản xuất; đồng thời, áp dụng các giải pháp hỗ trợ sản xuất, nhất là các quy trình, công nghệ, vừa mang lại hiệu quả, vừa bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng cao mà thị trường mong muốn.