Đến hết năm 2021, huyện Krông Nô có 9 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm 4 sao gồm: cam, quýt hữu cơ và gạo Buôn Choáh. Năm 2022 địa phương gửi 2 sản phẩm đi đánh giá phân hạng, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP lên 11. Theo đánh giá, các sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) hiện có khoảng 65 ha trồng các loại cây ăn trái, rau, củ, quả. Trong đó, có sản phẩm cam sành, quýt đường của HTX đạt chứng nhận OCOP hạng 3-4 sao cấp tỉnh. Sau nhiều năm gắn bó với nông nghiệp hữu cơ, chị Mai đã dần thay đổi thói quen, tư duy sản xuất của người dân theo hướng sản xuất bền vững.
Năm 2020, chị Mai (bên phải) thành lập HTX với 52 thành viên tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ |
Chị Mai chia sẻ, trước đây người dân địa phương chỉ quen với sản xuất cây công nghiệp. Thời tiết khô hạn, đất đai lại toàn đá tổ ong nên sản lượng không cao. Đặc biệt, sản phẩm làm ra phụ thuộc phần nhiều vào thương lái nên nhiều năm rơi vào cảnh, "được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa".
Năm 2020, chị Mai vận động người dân trên địa bàn tham gia vào HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú. Hiện, HTX có 52 thành viên, hàng năm cung cấp khoảng 100 tấn trái cây và 80 tấn rau củ quả ra thị trường. Thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX dao động từ 7-14 triệu đồng/tháng.
“Sản phẩm của HTX làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ, thậm chí là thu mua với giá cao nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, người dân địa phương có thêm điều kiện để phát triển kinh tế”, chị Mai thông tin.
Sản phẩm quýt đường của chị Nguyễn Thị Mai đạt chứng nhận OCOP tỉnh Đắk Nông |
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN - PTNT, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới huyện Krông Nô cho rằng, các sản phẩm OCOP của huyện đã và đang khẳng định được ưu thế, thương hiệu trong xu thế lựa chọn tiêu dùng của thị trường, người dân. Các địa phương đã tập trung vào tiềm năng, thế mạnh của mình, xây dựng sản phẩm mang lại hiệu quả cao, giúp người dân tự tin, phấn khởi.
“Sản phẩm OCOP không chỉ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn, góp phần to lớn vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”, ông Lộc nói.
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 67 sản phẩm của 56 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở được công nhận OCOP. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, sản phẩm đều có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng biết đến, từng bước tạo dựng, củng cố uy tín, niềm tin.