Nông nghiệp - Nông thôn

Sản phẩm nông nghiệp Krông Nô vươn mình lớn mạnh từng ngày

Đông Khuê 01/11/2023 08:31

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg và Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020; 2021-2025, chương trình đã và đang được tiến hành đồng bộ trên cả nước nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Tỉnh Đắk Nông đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản của huyện Krông Nô đạt 4 sao, 3 sao, đã vươn tầm, khẳng định chỗ đứng trên thị trường nhờ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Về Krông Nô những ngày cuối tháng 10, len lỏi vào những con đường làng ở các xã Buôn Choah, Tân Thành, Nâm Nung, Nâm N’Dir mới thực sự cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của vùng quê núi lửa này. Những cánh đồng lúa vàng óng, tiêu xanh ngợp thẳng tắp, những vườn cacao, cà phê đang độ vào vụ thu hoạch lúc lỉu quả sẫm tím, đỏ mọng báo hiệu những mùa bội thu trên quê hương. Sản phẩm nông nghiệp nơi đây có nhiều khác biệt, sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố đất, nước đã tạo nên sự đặc trưng riêng biệt của sản phẩm.

khue2.jpg
Vườn ca cao của gia đình anh Vũ Văn Nghĩa tại xã Tân Thành, huyện Krông Nô. Ảnh: Đinh Thanh Hải

Tiềm năng sẵn có và hướng đi đúng đắn cho nông sản huyện Krông Nô

Krông Nô là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông suối, ao hồ và các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp nước tưới cho sản suất. Thổ nhưỡng và các điều kiện tự nhiên khác phục vụ sản xuất phù hợp để sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á trải dài 25 km trên địa bàn huyện từ xã Buôn Choah đến thác Dray Sáp đã làm nên một vùng dung nham trù phú, giúp Krông Nô có nhiều điều kiện dồi dào để phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghệ cao và phù hợp với Chương trình mỗi xã một sản phẩm mà Chính phủ ban hành.

Cùng với nguồn lực dồi dào của vùng đất đỏ bazan, sự quan tâm của các ngành chức năng, huyện Krông Nô đã tập trung triển khai chương trình OCOP một cách đồng bộ. Ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động trong giai đoạn 2018-2023 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện phát triển một cách toàn diện. Các cấp, ngành của huyện xác định Chương trình OCOP là một nhiệm vụ quan trọng của địa phương, tất cả đều vào cuộc quyết liệt. Thuận lợi từ nguồn lực và sự quan tâm của các cấp chính quyền nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp của Krông Nô đã có những hướng đi đúng sau 5 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Những sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của huyện đã được nâng cao giá trị, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. OCOP đang từng bước đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường… bên cạnh việc đồng hành, hướng dẫn; năm 2022, huyện đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng để các hợp tác xã (HTX) phát triển sản phẩm. Từ sự hỗ trợ này, HTX đã thiết kế bao bì, đăng ký chứng nhận các tiêu chuẩn, phân tích, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng Website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như: OCOP, VOSO, POSTMART… Từ đó thương hiệu, nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường được mở rộng, giá cả tăng cao và ổn định so với trước khi được chứng nhận, đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các chủ thể tham gia. Việc hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng hình ảnh sản phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đưa sản phẩm của người nông dân lên các sàn giao dịch, đặc biệt với việc phát triển công nghiệp công nghệ số ngày càng mạnh mẽ; chỉ cần sản phẩm tiếp cận được người tiêu dùng, sau một lần, 2 lần để lại niềm tin, ấn tượng tốt, chỉ cần nhấp chuột, tất cả thông tin sản phẩm bạn cần sẽ hiện ngay trước mắt và có thể đặt mua một cách nhanh chóng và phương thức thanh toán cũng rất thuận tiện.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm triển khai tại Krông Nô đã có hướng đi đúng, tích cực và được đánh giá là một trong những huyện đi đầu, hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo đối với người dân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện; đã có nhiều sản phẩm uy tín, tiêu biểu.

Những sản phẩm tiêu biểu

Ngoài sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn 4 sao nổi tiếng, vươn ra cả thế giới như: Gạo ST24 Krông Nô của HTX lúa gạo Buôn Choah; bơ núi lửa của HTX nông nghiệp, dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô; cam sành núi lửa, quýt đường núi lửa của HTX hữu cơ Quảng Phú. Trên địa bàn huyện Krông Nô vẫn đang còn nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, phát triển đều trên địa bàn các xã, nhiều sản phẩm đã và đang tạo được chỗ đứng trên thị trường và nhiều người tiêu dùng biết đến như: Sản phẩm chocolate và bột ca cao Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô ở xã Tân Thành; cà phê bột rang xay, cà phê phin giấy của HTX phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái ở xã Nâm Nung; sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô ở xã Nam Đà; mật ong rừng Hòa Phát, rượu men lá cà phê Tin true ở xã Đắk Mâm; sản phẩm bưởi da xanh ở Đắk Rồ; ổi ruby ruột đỏ của hộ kinh doanh Vương Thị Hằng ở xã Nâm Nung…

Thông qua chương trình OCOP, những sản phẩm nông nghiệp của Krông Nô đã có chỗ đứng, vị thế nhất định trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến và mang lại hiểu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.

Hiệu quả kinh tế và tạo điều kiện cho công nhân tại địa phương

Theo anh Thái, chủ nhiệm Hợp tác xã phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, mỗi ngày tại cơ sở làm việc của anh có khoảng 8 người làm việc thường xuyên, lương trung bình từ 8-12 triệu đồng/ người tùy theo mức độ công việc. Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Krông Nô, anh Vũ Văn Nghĩa – Giám đốc HTX tâm sự: Với hơn 7 hecta ca cao, tiêu xe lẫn cà phê, vào mùa thu hoạch ca cao, tiêu, cà phê, số lượng nhân công cần cho mùa vụ có lúc tìm không ra, với công nhật rất cao. Còn với thời điểm cuối tháng 10 này, chưa vào vụ thu hoạch, lúc nào trong rẫy của anh cũng có 3-4 lao động làm cành, công trả cho lao động dao động từ 240.000đ đến 300.000đ/ người/ ngày.

Chị Vương Thị Hằng, Hộ sản xuất kinh doanh của sản phẩm ổi ruby ruột đỏ vừa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, mỗi ngày ngoài 2 công nhân chính của gia đình, chị phải thuê thêm 1-2 người chăm sóc, tỉa cành cho cây (với ngày thường), khi vào vụ thu hoạch thì phải thuê thêm công thời vụ. Giá ổi của gia đình từ khi được công nhận sản phẩm OCOP đã cao hơn, ổn định hơn và ngày càng có nhiều đơn đặt hàng đi khắp nơi.

khue3.jpg
Cánh đồng Buôn Choah. Ảnh: Đinh Thanh Hải

Hy vọng cho tương lai

Anh Nghĩa cũng nói thêm, sản phẩm chocolate chưa tìm được chỗ đứng tại thị trường Tây Nguyên vì giá thành cao, người dân vẫn quen sử dụng sản phẩm truyền thống. Nguồn nguyên liệu, việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị chế biến tương đối cao nên sản phẩm chocolate và cacao bột Duy Nghĩa không thể cạnh tranh về giá, chỉ còn lại là chất lượng. Được sự hỗ trợ, đầu tư của huyện nhà trong việc hướng dẫn chủ thể OCOP duy trì, mở rộng diện tích, đầu tư nguồn vốn để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm của các HTX trên địa bàn huyện không chỉ giữ vững được chất lượng, thương hiệu mà ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.

Thương hiệu cà phê phin giấy, cà phê bột rang xay Thành Thái hẳn đã không còn xa lạ với thị trường cà phê Đắk Nông và cả nước. Với việc tham gia Chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp tục nâng tầm sản phẩm, thương hiệu, giá bán sản phẩm được tăng cao và ổn định hơn.

Sự kết nối thông qua các kênh như hội chợ, hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng là tín hiệu đáng mừng mang lại nhiều hy vọng cho đầu ra của nông sản huyện Krông Nô. Tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2023 đang diễn ra, huyện Krông Nô có 16 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 4 sao, trong đó sản phẩm bộ trái cây sấy dẻo (sầu riêng sấy, măng cụt, bưởi, quýt, trứng gà Pháp) của HTX nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú là sản phẩm đạt Chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Từ những kết quả đó, khẳng định sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện Krông Nô đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm trong những năm qua.

Nhiều năm qua, mặt hàng gạo Buôn Choah được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều nông dân huyện Krông Nô đã được nâng cao thu nhập từ các giống lúa RVT, ST24, ST25…thương hiệu lúa gạo ở Krông Nô ngày càng có uy tín, phát triển mạnh trên thị trường, trở thành vựa lúa lớn nhất Đắk Nông, cánh đồng Buôn Choah là vùng sản xuất lúa công nghệ cao của Đắk Nông hiện nay và sản phẩm gạo đã vươn ra thị trường thế giới. Hiện nay, thương hiệu gạo ST24 đã không còn xa lạ, ST24 và nhiều thương hiệu khác của nông sản Krông Nô – Đắk Nông đã và đang viết tiếp những câu chuyện nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo đối với người dân khu vực nông thôn.

Về Krông Nô hôm nay, không còn là vùng quê nghèo, xa xôi nhất của tỉnh. Thay vào đó là những vựa lúa vàng, những vùng trái cây trù phú… tất cả tạo nên một Krông Nô vươn mình, lớn lên từ sản phẩm nông nghiệp, từ chương trình OCOP, hướng đi đúng đắn đã tạo niềm tin cho người nông dân, giúp sản phẩn nông nghiệp Krông Nô vươn mình, lớn mạnh từng ngày.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Sản phẩm nông nghiệp Krông Nô vươn mình lớn mạnh từng ngày
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO