Krông Nô hiện có 37 HTX, trong đó 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu bình quân của mỗi HTX trên địa bàn huyện đạt 1,2 tỷ đồng/năm, cao hơn so với trung bình chung của tỉnh.
Trong đó, HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh có sản phẩm gạo mang nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô” đạt OCOP hạng 4 sao. HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cũng có sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. HTX này đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa công nghệ cao ở xã Buôn Choáh.
Bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý VietGAP HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, trước đây, người dân chỉ trồng các giống lúa thông thường, nên hiệu quả kinh tế không cao.
Những năm gần đây, huyện định hướng chú trọng trồng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 và thành lập các HTX sản xuất lúa, với quy mô khoảng 750 ha.
Với sự đổi mới này đã giúp việc sản xuất lúa trở nên có quy mô, sản phẩm lúa gạo có giá trị cao. Giờ đây, người tiêu dùng trong nước đã biết đến sản phẩm "Lúa gạo Krông Nô".
HTX Nông nghiệp Krông Nô trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ |
Ngoài lúa gạo, trên địa bàn Krông Nô còn có nhiều sản phẩm khác của các HTX khẳng định được giá trị trên thị trường. Trong đó, HTX Nông nghiệp hữu cơ Quảng Phú có 2 sản phẩm hoa quả hữu cơ đạt OCOP hạng 4 sao. HTX Công Bằng Thành Thái có cà phê đạt tiêu chuẩn 4C và 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao.
Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, nhiều HTX trên địa bàn không chỉ cung cấp nguyên liệu mà ngày càng chú trọng chế biến sâu các sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.
Chẳng hạn, HTX Nông nghiệp Krông Nô đã đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến bột ca cao, socola. Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô cho biết, đơn vị đã đầu tư hàng tỷ đồng, ứng dụng công nghệ của Ý để sản xuất ca cao.
HTX cũng tổ chức liên kết sản xuất ca cao theo chuỗi giá trị. Các sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP và OCOP hạng 3 sao.
Sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM... Hiện nay, HTX đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu ca cao theo các tiêu chuẩn UTZ để làm tiền đề nâng cao giá trị sản phẩm.
HTX Nông nghiệp Krông Nô ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất socola |
Ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, huyện đã, đang tập trung phát triển HTX từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Trong đó, huyện định hướng cho các HTX tập trung vào các cây trồng chủ lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, quy trình tiên tiến, hiện đại vào sản xuất sản phẩm.
Để giúp các HTX có vùng nguyên liệu tốt, huyện đưa các giống mới chất lượng cao vào gieo trồng, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất.
Đến nay, huyện Krông Nô có trên 500 ha lúa nước, 100 ha bơ, cam, quýt được chứng nhận VietGAP. Krông Nô đang hình thành và phát triển các vùng sản xuất công nghệ cao gắn với hoạt động của các HTX.
Vùng lúa Buôn Choáh do HTX điều hành, tổ chức sản xuất hiệu quả |
Trong đó, vùng sản xuất lúa công nghệ Buôn Choáh do HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Còn vùng sản xuất ngô ứng dụng công nghệ cao Đức Xuyên do HTX Nông nghiệp Đức Xuyên tổ chức điều hành, sản xuất.
Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Nâm Nung do HTX Công Bằng Thành Thái tổ chức liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm...
Cũng theo ông Trần Đăng Ánh, các HTX cũng cần chủ động hợp tác đa dạng với nhiều thành phần kinh tế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để làm ăn có hiệu quả. HTX phải biết khai thác các tiềm năng, lợi thế của huyện để đầu tư, sản xuất hiệu quả, bền vững hơn.