“Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức” gồm có hai phần: Tạp bút và biên khảo. Ở phần tạp bút, nhà văn tìm lại những “miếu đền ký ức” để trở về tuổi thơ đã mất, cùng ít nhiều hình dáng của một Sài Gòn xưa. Những mảnh tuổi nhỏ, những con phố xưa, tiệm chạp phô, miếng kẹo mạch nha buổi trưa hè, câu hát cải lương… Ông viết về cái cột cờ, con đường qua Lăng Ông, lớp học buổi trưa, thời ép nhựa bàn ủi than, lì xì hay chụp ảnh ngày tết… Mỗi mảnh ký ức rời của ông ghép lại thành một bức tranh đầy ắp tư liệu về đời sống Sài Gòn một thuở.
Bìa cuốn sách |
Và rồi miền tuổi thơ của tác giả cứ như bức tranh bàng bạc về đời sống, nếp sống, vỉa tầng văn hóa, chuyện học hành của một Sài Gòn - Chợ Lớn hiện ra cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời nhưng vẫn chan chứa hồn Sài Gòn và những bóng dáng yêu thương.
Ở phần biên khảo, nhà văn Lê Văn Nghĩa tìm lại mạch ngầm văn hóa, văn nghệ ở Sài Gòn - vốn đâu thể thiếu những bài viết, giọng ca, lời nhạc, những vở cải lương đầy ánh lửa đam mê một thời.
Những tạp bút, biên khảo của nhà văn Lê Văn Nghĩa đầy ắp tư liệu và thấm đẫm tình người. Ông yêu thương mảnh đất này bằng một tình yêu giản dị, mộc mạc mà và sâu nặng.