Văn hóa

Sách điện tử - mừng và lo của người viết sách

Thanh Hằng 21/04/2023 07:23

Khoa học và công nghệ phát triển đã tạo ra những định dạng mới cho sách. Bên cạnh sách giấy, những cuốn sách điện tử đã ra đời phục vụ nhu cầu, thị hiếu của độc giả. 

ADQuảng cáo

Đứng trước xu thế này, người viết sách mừng vì tác phẩm của mình có cơ hội đến với nhiều bạn đọc hơn, song nhiều người cũng lo ngại bởi vấn đề tác quyền và giá trị mà mỗi cuốn sách mang lại.

Nhà văn trẻ và quan niệm về sách giấy

Đào Thu Hà có lẽ không phải là cái tên xa lạ với những người yêu văn chương, yêu sách tại Đắk Nông. Nữ nhà văn sinh năm 1988 có cho mình 6 cuốn sách văn học và nhiều truyện ngắn, tản văn đăng trên các tạp chí, ấn phẩm văn nghệ. Với lối viết mộc mạc, phù hợp với người trẻ nhưng vẫn đủ chiều sâu dành cho bạn đọc lâu năm, sáng tác của Đào Thu Hà ít nhiều đã ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Chia sẻ về công việc của mình, Đào Thu Hà cho biết, chị là một trong số ít nhà văn chọn đề tài lịch sử để sáng tác. Tình yêu sử bắt nguồn từ những câu chuyện mà bố kể từ thời tấm bé, kiến thức sử tích lũy trong suốt thời gian ngồi trên giảng đường đại học.

dao-thi-ha-1(1).jpg
Nhà văn Đào Thu Hà (ở giữa) nhận giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2022.

Câu chuyện sử do chính Đào Thu Hà sưu tầm trong cuộc sống thực tại, đó chính là chất liệu mà nhà văn đưa vào sáng tác của mình. Thông qua những trang sách, Đào Thu Hà mong muốn người đọc sẽ có “cảm nhận thú vị” thay vì đọc những mốc lịch sử khô khan. Năm 2022, với việc xuất bản cuốn sách “Mây khói vàng son”, nhà văn Đào Thu Hà đã giúp người đọc có cái nhìn đa chiều hơn về những nhân vật lịch sử.

Cũng thông qua cuốn sách này, nữ nhà văn đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận về môn học lịch sử trong nhà trường, khi đã “dùng văn chương để kể chuyện lịch sử”. Sáng tác văn, viết sách hơn 10 năm, sống trong thời điểm thị trường sách sôi động với những định dạng mới như kindle (máy đọc sách), audiobook, podcast, ebook (gọi chung sách điện tử), Đào Thu Hà cũng có cái nhìn tổng quan hơn về công việc của mình.

Chị cho rằng, ở thời điểm hiện tại, có thể sách điện tử mang đến những thuận lợi nhất định cho người đọc, thế nhưng nó khó lòng thay thế cho sách giấy - một định dạng truyền thống đã duy trì hàng trăm năm nay.

Nữ nhà văn chia sẻ: “Công nghệ và khoa học phát triển, bạn có thể tìm đọc bất cứ thông tin gì bằng thiết bị di động, trong đó có cả việc đọc sách. Không bàn tới những ảnh hưởng của thiết bị di động tới sức khỏe của người sử dụng, tôi nghĩ rằng, đọc một cuốn sách giấy sẽ tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn đọc một cuốn sách điện tử. Với những người yêu sách, cảm giác được ngửi mùi giấy, được nghe tiếng sột soạt khi lật giở từng trang là những nhân tố kích thích việc đọc sách. Đây cũng là điều mà độc giả không thể cảm nhận được khi đọc một cuốn sách điện tử”.

dao-thi-ha-2(1).jpg
Nữ nhà văn vẫn trung thành với sách giấy vì định dạng này mang lại những cảm xúc đặc biệt cho mỗi độc giả.
ADQuảng cáo

Cũng chính từ quan niệm này, Đào Thu Hà đã từ chối lời mời chuyển thể tác phẩm của mình sang thể loại sách điện tử. “Thời điểm hiện tại, tôi vẫn trung thành với thể loại sách giấy. Bởi mỗi tác phẩm ra đời, khi cầm trên tay, tôi có thể cảm nhận được thành quả của mình đã tạo ra. Đặc biệt, sách giấy cũng trở thành món quà để tôi dành tặng bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu thích văn chương của mình. Đối với mỗi nhà văn, sách giấy đã trở thành tài sản vô cùng giá trị và ý nghĩa”, nhà văn Đào Thu Hà cho biết thêm.

Bản quyền và giá trị tác phẩm

Mỗi cuốn sách là một đứa con tinh thần của tác giả. Có thể cuốn sách ấy được viết từ những trải nghiệm thực tế của tác giả, cũng có thể đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu, sưu tầm có chọn lọc. Nhưng tựu trung, đó là cả một quá trình để sáng tạo, gọt giũa và trải qua rất nhiều công đoạn để có được hình hài hoàn chỉnh. Quá trình ấy có khi chỉ kéo dài một vài năm, nhưng cũng có khi được ấp ủ, nuôi dưỡng cả thập kỷ.

Đứng trước xu hướng chuyển đổi số, trước sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhà văn Đào Thu Hà mang trong mình nhiều cảm xúc. Công nghệ thông tin có thể đưa tác phẩm của chị đến với nhiều bạn đọc hơn, thế nhưng đi cùng với đó chính là vấn đề tác quyền và giá trị của mỗi cuốn sách mang lại.

Chị Hà không thể phủ nhận những lợi ích của sách điện tử. Sự ra đời của định dạng này hướng tới nhiều đối tượng độc giả hơn, đặc biệt là những người gặp vấn đề về thị giác, người bận rộn với công việc. Bên cạnh đó, sách điện tử cũng nhanh chóng cập nhật những sáng tác mới nhất, phù hợp với xu hướng “ăn nhanh” của độc giả.

dao-thi-ha-3(1).jpg
Nhà văn Đào Thu Hà chia sẻ quan điểm của mình về sách giấy.

Tuy nhiên, Đào Thu Hà cho rằng, các nhà văn sẽ đứng trước nguy cơ bị ăn cắp chất xám. Đây cũng chính là tình trạng mà chị đang gặp phải trong thời gian qua khi có một số tác phẩm bị “nhào nặn”, thay tên, đổi họ rồi đăng trên các trang mạng xã hội.

Lấy ví dụ cụ thể, nhà văn Đào Thu Hà kể: “Vài năm trước, các sáng tác của tôi đã được đăng tải trên các tạp chí văn nghệ. Tuy nhiên, sau đó tôi đã đọc được một vài truyện ngắn, tiểu thuyết có nội dung “na ná” những sáng tác của mình trên một website. Sự khác nhau giữa các tác phẩm này chỉ là tên các nhân vật. Phát hiện sự việc, tôi đã cung cấp đầy đủ bằng chứng để đòi quyền lợi cho mình, nhưng từ đó đến nay, tôi không nhận được bất cứ sự phản hồi nào từ trang đăng tải”.

Theo nhà văn Đào Thu Hà, hiện nay các trang điện tử, đặc biệt những trang mạng xã hội đều có thể chia sẻ sách, thậm chí là chia sẻ miễn phí. Đối với những cuốn sách đang được độc giả săn đón, các trang này sẽ mua một cuốn sách giấy, sau đó gõ lại nội dung hoặc chụp lại từng trang để chia sẻ. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu bán sách của các nhà xuất bản và của chính tác giả cuốn sách.

“Một cuốn sách giấy được bán với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, nhưng khi được chuyển sang sách điện tử, giá thành giảm đi rất nhiều. Chỉ cần một tài khoản, người đọc sẽ mua được cuốn sách ấy chỉ với giá vài ngàn đồng. Giá rẻ đã vô tình làm “bình dân” những cuốn sách được đầu tư kỹ càng, mang giá trị đích thực”, chị Hà nói thêm.

Trăn trở của nhà văn Đào Thu Hà cũng là trăn trở, suy nghĩ của nhiều nhà văn khác trên các diễn đàn văn chương. Dự đoán, trong thời gian tới, trong bối cảnh chuyển đổi số, sách điện tử sẽ là xu thế phát triển của ngành xuất bản và sách giấy sẽ mất đi “vị trí độc tôn”. Song hành cùng với đó, cần phải có cơ chế, chính sách để bảo vệ những giá trị truyền thống, bảo vệ chất xám, công sức của những người viết sách.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách điện tử - mừng và lo của người viết sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO