Đời sống

Sắc màu tết 3 miền trên đất Đắk Nông

PV 26/01/2024 06:50

Đắk Nông được xem là “đất lành”. Người dân từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng sinh sống, tạo cho vùng cao nguyên đất đỏ này sắc màu văn hóa phong phú. Bởi vậy, không khí đón tết vui xuân nơi đây vừa có nét riêng biệt của vùng Tây Nguyên nắng gió, vừa được hòa mình trong không khí tết của khắp mọi vùng miền đất nước…

ADQuảng cáo

Giữ phong tục ở vùng đất mới

Đối với những người dân từ các tỉnh phía Bắc vào tỉnh Đắk Nông sinh sống, ngày tết là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, lo toan cho những bữa cơm thờ cúng tổ tiên và chuẩn bị những món quà ý nghĩa để chúc năm mới họ hàng. Ngày tết cũng trở nên rộn ràng khi đây là khoảng thời gian người dân nghỉ ngơi, gặp gỡ nhau sau những ngày tháng tất bật mưu sinh.

Theo bà Hoàng Thị Cúc, quê tỉnh Thanh Hóa, hiện cư trú xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong thì Tết Nguyên đán được xem là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm. Những phong tục, tập quán ngày tết được ông bà, tổ tiên đúc kết hàng trăm năm trước, thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Khi đến sinh sống ở vùng đất kinh tế mới, gia đình bà vẫn gìn giữ, duy trì nhiều công việc, lễ nghi ngày tết. Bà Cúc cho biết: “Ở quê, đối với những gia đình có điều kiện, họ sẽ nuôi một con heo từ khoảng tháng 8 âm lịch, đến cuối năm thì mổ heo, mời họ hàng đến chung vui và lấy thịt gói bánh, dự trữ cho những ngày sau tết. Tiếp nối phong tục này, năm nào gia đình tôi cũng nuôi một con heo để cuối năm con cháu quây quần chung vui”.

1(4).jpg
Người dân dọc đường Y Bih Aleo, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa bắt đầu dựng cây nêu để đón Tết với mong ước cầu nhiều may mắn. Nhiều cây nêu không quên gắn thêm cờ đỏ sao vàng

Ngày tết ở miền Bắc là sự kết hợp giữa tiết trời và cảnh vật. Thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng là mùa của nhiều loài cây đâm chồi, nảy lộc. Trong đó, hoa đào được coi là biểu tượng của mùa xuân ở miền Bắc, với ý nghĩa sinh sôi, nảy nở, thịnh vượng và hòa thuận, êm ấm.

Nhiều năm liền trồng hoa đào để phục vụ Tết Nguyên đán, anh Lã Minh Thư, quê tỉnh Ninh Bình, hiện trú tại xã Nam Xuân, huyện Krông Nô cho biết, nhu cầu trưng đào tết của người dân Đắk Nông rất cao. Với mong muốn mang không khí xuân của miền Bắc về nhà, nhiều gia đình đã lựa chọn một cây đào, cành đào để trang trí trong những ngày này. Anh Thư chia sẻ: “Gần 10 năm nay, năm nào tôi cũng trồng hoa đào để bán vào dịp tết. Đối với nhiều người, ngày tết mà không có cành đào trong nhà là thiếu không khí tết. Mấy năm nay, tôi còn trồng thủ nghiệm đào thất thốn, một loài đào quý của miền Bắc để phục vụ nhu cầu của người dân”.

Tết là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt, chính vì thế người ta lo toan, chuẩn bị cho tết từ đầu tháng Chạp. Càng gần ngày tết, đặc biệt là sau ngày Tết ông Công, ông Táo, nhiều gia đình không lúc nào rỗi rãi vì người dân dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, đốt chân hương, cúng tất niên và mua sắm những món đồ dự trữ cho năm mới.

Vào những ngày đầu năm mới, người dân kiêng đi chợ mua sắm. Quần áo, đồ dùng trong nhà, thức ăn đều được mua trước tết. Riêng ngày mùng 2 tết, khi chợ mở bán lại, người dân sẽ đi mua một gói muối nhỏ về để trong nhà với quan niệm muối có màu trắng, mang ý nghĩa tinh khiết, sạch sẽ và có sự kết tinh đồng thời thể hiện sự thắm thiết, mặn nồng trong tình cảm.

Dù đã sinh sống xa quê gần 30 năm, thế nhưng mỗi sáng mùng 2 tết, bà Dương Thị Mai, quê Thái Bình, trú xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô vẫn đi chợ để mua một gói muối nhỏ. Bà Mai cho biết, mua muối như một phong tục đẹp đầu năm mới. Muối được chọn mua là loại muối biển hạt to, được đựng trong túi vải, sau đó được đặt lên bàn thờ gia tiên trong suốt năm.

Mong một năm mới nhiều may mắn

Dựng cây nêu là một phong tục cổ truyền trong ngày Tết của người Việt, đặc biệt là các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Cây nêu mang ý nghĩa bảo vệ người dân khỏi quỷ dữ, tà ma xâm nhập và bảo vệ bình yên cho vùng đất. Theo dân gian của người Việt, sau khi lễ tiễn ông Công, ông Táo chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp thì người dân ở nhiều vùng, miền bắt đầu dựng cây nêu trước nhà trong dịp Tết Nguyên đán. Ngày nay, phong tục dựng nêu ít xuất hiện trong đời sống đương đại, nhưng tại TP. Gia Nghĩa, phong tục này vẫn được duy trì ở một số gia đình, nhất là các gia đình đến từ các vùng bắc miền Trung.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền từ Nghệ An vào sinh sống ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông Đắk Nông lập nghiệp đã hơn 10 năm nay. Để gợi nhớ quê hương, hàng năm cứ dịp Tết đến xuân về gia đình chị lại cùng nhau trang trí dựng cây nêu trước nhà, để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Chị tâm sự: “To nhỏ gì nhà tôi năm nào cũng cùng nhau làm một cây nêu để có không khí Tết với mong muốn một năm mới an khang, may mắn quanh năm”.

Còn chị Nguyễn Thị Thu ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho biết: “Dân gian quan niệm rằng sau ngày 23 âm lịch, các vị thần bảo vệ cho nhà mình là ông Công, ông Táo lên chầu trời rồi nên mỗi gia đình sẽ dựng một cây nêu lên để trừ tà, bảo vệ cho gia đình và xua đuổi những gì không may mắn của năm cũ đi.

ADQuảng cáo

Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, các gia đình sẽ làm lễ hạ cây nêu xuống. Tuy nhiên, nhiều gia đình sẽ dựng nêu sớm hơn để tạo không khí tết cho gia đình và xóm làng. Để hoàn thành được một cây nêu gia đình anh cũng mất khá nhiều thời gian và công sức.

Anh Lê Đình Quảng, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Bình thường gia đình tôi sẽ bắt đầu làm cây nêu từ ngày mùng 10. Năm nay không khí đón Tết sớm hơn nên mình làm sớm hơn. Mỗi cây nêu được dựng lên có chiều cao từ 6-15m, được quấn đèn led xung quanh. Tùy vào sự sáng tạo của mỗi gia đình, ở phía đầu của cây nêu sẽ được treo bằng đèn lồng màu đỏ, những phong bao lì xì hay ruy băng nhiều màu sắc hoặc trang trí thêm các đồ vật khác mà gia chủ thích”.

Tục dựng nêu ăn Tết ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, thể hiện triết lý nhân sinh. Cây nêu chủ yếu được làm bằng cây tre, loại cây phổ biến biểu trưng cho nhiều tư tưởng đạo đức tốt đẹp, nhất là tính kế thừa “tre già măng mọc” Cây tre ruột rỗng nhưng khó bẻ gãy ngang thể hiện sự can trường, khi cây càng lớn thì ngọn càng cong biểu thị sự Khiêm cung. Vì vậy, người dân thường dùng cây tre để làm cây nêu với ý nghĩa kết nối đất trời, mong ước những điều tốt đẹp, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Đậm hương vị tết miền Nam trên đất Đắk Nông

Từ quê An Giang vào Đắk Nông sinh sống hơn 10 năm nay, gia đình cô Võ Thị Mãi, thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa vẫn giữ những nét phong tục ngày tết của miền Nam nói chung và người miền Tây nói riêng, thể hiện nét đẹp đặc sắc văn hóa tết cổ truyền Việt Nam.

Mỗi dịp tết đến xuân về, cũng như phong tục của nhiều người Việt Nam, gia đình cô Mãi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất để xua bỏ những điều đã cũ, đón những may mắn, tươi sáng trong năm mới. Cùng với dọn tết, gia đình còn chăm cây cối, vườn nhà, lặt lá mai trước tết để cây mai có thể nở rộ vào những ngày đầu năm mới. Chơi hoa mai ngày tết là phong tục tập quán, đặc trưng của người miền Nam. Cùng với hoa mai, nhà cô Mãi còn mua hoa cúc mâm sôi để trưng vào dịp tết.

Cô Mãi cho biết, hầu như gia đình người miền Nam nào cũng sẽ có trồng cây mai trước nhà hoặc nếu không có, người ta sẽ tìm mua những cây mai được bán ngoài chợ về chưng tết. Mâm ngũ quả để chưng trong ngày tết cũng được lựa chọn kỹ lưỡng. Gia đình sẽ chọn các trái cây chưng cho mâm ngũ quả như cầu (mãng cầu) - dừa - đủ (đu đủ) - xoài với mong muốn một năm mới thuận lợi, bình an, may mắn.

img_20240124_170003.jpg
Theo gia đình vào Đắk Nông sinh sống, anh Bùi Hữu Tình, con trai cô Mãi, ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa vẫn giữ nét văn hóa đón tết của quê hương, trồng và chăm sóc cây mai để chơi dịp tết

Theo gia đình vào Đắk Nông sinh sống, anh Bùi Hữu Tình, con trai cô Mãi, ở thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa vẫn giữ nét văn hóa đón tết của quê hương, trồng và chăm sóc cây mai để chơi dịp tết

Người miền Nam còn thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ ông bà tổ tiên bằng mâm cúng ông bà vào cuối năm. Mâm cơm cúng nhất định phải có nồi thịt kho trứng và canh khổ qua. Thịt kho trứng được tạo ra từ những miếng thịt vuông và trứng vịt to tròn với ý nghĩa “vuông tròn đều đặn, mọi sự bình an”. Các món còn lại tuỳ vào điều kiện của từng gia đình tất cả đều được dâng lên với tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao của ông bà tổ tiên. Đây cũng là dịp để con cháu báo cáo với tổ tiên về thành quả trong một năm hay những khó khăn đang gặp phải và hy vọng một năm mới suôn sẻ hơn.

Cùng với thịt kho trứng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày tết của gia đình cô Mãi. Vào ngày 28, 29 tết, gia đình cô thường cùng nhau gói bánh để cầu mong một cái tết sum vầy. Bánh được làm bằng nếp pha với màu xanh của lá dứa cùng với nhân đậu màu vàng như gợi lên màu xanh của đồng lúa. Đó niềm ao ước một năm “an cư lạc nghiệp” của người nông dân.

mtxx_pt20240124_170524698-1-.jpg
Các món ăn đặc trưng ngày tết của người miền Nam

Ngày đầu năm, cô và gia đình sẽ đi lễ chùa nhằm tỏ lòng thành kính với Đức Phật và các vị tổ tiên. Cầu mong cho một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe, bình an. Cùng với giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương mình, gia đình cô Mãi cũng “du nhập” những nét đặc trưng ngày tết khi tới sống ở Đắk Nông, quê hương thứ 2 của gia đình như chưng hoa lan, hoa ngũ sắc dịp tết.

Cô Mãi tâm sự, nhiều năm nay gia đình tôi ăn tết ở trên Tây Nguyên chứ không còn về quê ăn tết nữa. Tuy xa quê, nhưng gia đình vẫn giữ các nét đặc trưng, phong tục ăn tết của quê mình. Tết đến, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng gọi điện thoại về quê thăm hỏi, chúc tết bà con, họ hàng. Ở Đắk Nông lâu năm, gia đình cũng có láng giềng, bạn bè thân thích để đến chơi, chúc tết dịp xuân năm mới.

Dù đi đâu, người dân cũng nhớ về Tết cổ truyền của quê hương như tưởng nhớ đến cuội nguồn. Mỗi người có một quê hương, nhưng sinh sống trên mảnh đất Đắk Nông vẫn luôn đoàn kết, sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm, làm phong phú thêm sắc hương ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc màu tết 3 miền trên đất Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO