Sắc màu phong tục tết của các dân tộc ở Đắk Nông
Người M’nông, Tày, Dao, Nùng, Mông, Thái, Hoa… trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều có những phong tục riêng đón Tết Nguyên đán để cầu bình an, hạnh phúc; ước vọng vào năm mới với những may mắn, mọi điều hanh thông, tốt đẹp.
Tục dựng cây nêu của người Tày, Nùng
Trong quan niệm của nhiều dân tộc thiểu số, cây nêu là biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên nhằm xua đuổi ma quỷ, tiêu trừ những điều xui xẻo của năm cũ. Từ bao đời nay, người Tày, người Nùng đón tết không thể thiếu cây nêu dựng trước nhà vào chiều 30 tết. Họ cho rằng, cắm cây nêu để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà và mang lại may mắn, an lành cho năm mới.
Đây là truyền thống đã có từ lâu đời và đến ngày nay vẫn được duy trì, bởi cây nêu không đơn thuần là một hình thức trang trí mà còn mang rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần.
Cây tre được chọn làm nêu phải đẹp, thẳng, các dóng thật dài, không sâu, không cụt ngọn, lá xanh tốt. Bầu đất lúc đào lên giữ cho nguyên vẹn để khi trồng mới tươi lâu. Đến chiều 30 tết, nhà nào cũng dựng một cây nêu. Trên cây nêu trang trí thêm giấy đỏ hoặc tờ phướn ngũ sắc cùng các loại nhạc cụ như sáo, xóc nhạc...
"Ngoài sửa sang nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, đồng bào Tày, Nùng ở đây còn làm cây nêu để đón tết. Ngày tết là phải có còn, có tiếng đàn tính, hát then. Các thanh niên nam nữ, bà con chơi tung còn với nhau để vui vẻ sau một năm lao động vất vả. Quả còn này đem lại may mắn cả năm cho bà con", ông Nông Thanh Độ, thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô (Đắk Nông) chia sẻ.
Người Mông dán giấy bản đón năm mới
Từ xưa đến nay, mỗi khi tết đến xuân về, gia đình ông Sùng A Chang, dân tộc Mông, thôn 5, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) lại tất bật làm lễ cúng tổ tiên và thay giấy dán bàn thờ tổ tiên. Ông Sùng A Chang cho biết, đối với mỗi gia đình người Mông, mỗi khi tết đến, xuân về phải thay giấy mới cho bàn thờ - nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở để tạ ơn và cầu mong được phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh, mùa màng bội thu hơn.
Đây là phong tục đã có từ lâu đời nay trong cộng đồng người Mông. Với người Mông, giấy bản là vật dụng vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh. Trước đây, mỗi gia đình người Mông đều làm giấy bản từ cây giang, cây nứa bằng phương pháp thủ công truyền thống. Ngày nay, giấy bản được mua từ các gia đình làm nghề truyền thống hoặc các loại giấy bản làm bằng kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, ý nghĩa tâm linh của tục dán giấy bản đón năm mới của người Mông vẫn không thay đổi.
Tùy theo nguồn gốc và nhóm người Mông mà giấy dán là màu đỏ hay màu trắng. Nhưng chung quy lại đều cho rằng, dán giấy mới biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành trong năm mới. Thông thường, vào ngày 30 tết, đồng bào Mông dán giấy bản vào bàn thờ, cửa, dụng cụ sản xuất... thể hiện sự khéo léo và mong muốn những điều may mắn nhất sẽ đến trong năm mới. Giấy dùng treo và để trên bàn thờ cả năm, đến ngày 30 tết năm sau, họ sẽ cúng và đốt giấy cũ đi thay bằng giấy mới, giải hạn xấu năm cũ.
Lễ vật để cúng tổ tiên và làm lễ thay giấy gồm 3 con gà, hương, trứng gà, bánh dày, giấy bản lớn, giấy bản cắt nhỏ… Khi đã chuẩn bị đủ lễ vật, chủ nhà dùng tờ giấy bản lớn dán thay tờ giấy cũ trên bàn thờ. Tiếp đến, dùng con gà trống sống cúng tổ tiên. Sau đó cắt tiết, dùng tiết gà bôi lên 3 nhúm lông gà rồi dán lên bàn thờ mới. Tấm giấy chính là nơi tổ tiên ngự và là nơi linh thiêng nhất trong nhà. 2 con gà còn lại dùng để cúng linh hồn nhà cửa, nông cụ sản xuất… Các tờ giấy bản nhỏ được dán lên cửa, cột nhà, phương tiện đi lại, các loại nông cụ sản xuất, cây trồng gần nhà…
Người Mông dán giấy bản mới cho mọi đồ vật, nhà cửa, bàn thờ tổ tiên như báo cho tổ tiên, nông cụ sản xuất, đồ vật biết là năm mới đã đến, mời tất cả về nghỉ ngơi, ăn tết cùng con cháu trong gia đình trong vòng 3 ngày. Cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ con cháu một năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu.
Mâm cơm truyền thống của đồng bào M’nông
Ngày đầu năm, vợ chồng bà Thị D’Jê, dân tộc M’nông, bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) cùng các thành viên trong gia đình dậy thật sớm. Trong căn bếp, ánh lửa hồng bập bùng, không khí ngày đầu năm trở nên ấm cúng. Đôi bàn tay khéo léo của bà nhanh chóng làm nên những món ăn ngon, mùi hương của cơm lam, cá nướng, thịt nướng lan tỏa khắp gian bếp.
“Dịp tết, con trai, con gái lấy vợ lấy chồng, ở riêng hay ở chung đều hẹn nhau về sum họp. Gia đình tôi thường quây quần với nhau làm mâm cơm truyền thống vào ngày đầu năm mới. Những món ăn không thể thiếu là cơm lam, canh thụt, thịt nướng, canh bột…”, bà Thị D’Jê vui vẻ nói.
Ngày xưa, đồng bào M’nông “ăn tết” sau các vụ thu hoạch lúa, ngô trên nương rẫy. Ngày nay, trong quá trình cộng cư cùng sự biến đổi về thời vụ, loại hình sản xuất, mô hình kinh tế… người M’nông cũng ăn Tết Nguyên đán, lấy đó là thời điểm nghỉ ngơi sau vụ mùa cà phê vất vả. Đó cũng là lúc con cháu, các thành viên trong gia đình đang ở nơi xa học tập, làm ăn về tụ họp, sum vầy. Cả gia đình cùng quần tụ bên nhau, chuẩn bị mâm cơm với những món ăn truyền thống độc đáo, cùng nhau thưởng thức trong không khí tươi vui ngày xuân.
Dù giàu hay nghèo, ngày tết, gia đình M’nông nào cũng tự tay làm ra những ống cơm lam thơm dẻo. Những hạt gạo nếp trắng ngần được lấy từ vụ mùa mà người M’nông cần cù làm được trong năm. Những người con M’nông xa nhà thích thú khi được thưởng thức canh thụt vào ngày sum họp gia đình.
Bởi món ăn này đã đi vào tâm thức của người con M’nông. Hương vị cơm lam, thịt nướng, canh thụt, canh bồi, lá bép, đọt mây, cà đắng… nhắc nhở con cháu M’nông nhớ về cội nguồn. Trong giây phút thiêng liêng của năm mới, bên mâm cơm sum họp, các thành viên cùng cười nói, kể về những câu chuyện của năm cũ, ước vọng mọi việc tốt đẹp trong năm mới.
Những món ăn truyền thống đặc biệt nhất, ngon nhất dâng cúng tổ tiên hay trong bữa cơm sum vầy, khoản đãi khách đã trở thành một phần hương vị tết của đồng bào. Khi một mùa xuân nữa lại về, mọi người quây quần bên nhau cùng thưởng thức món ngon, mời nhau những chén rượu nồng, chúc cho mọi người khỏe mạnh, bon làng yên vui.