Đời sống

Rượu cần Nâm Nung lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng

D.P 27/02/2024 05:38

Những ché rượu cần của xã Nâm Nung, huyện Krông Nô đã từng bước định hình được thương hiệu, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Nâm Nung.

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, người "đặt viên gạch đầu tiên" để xây dựng Tổ hội nghề nghiệp Rượu cần Nâm Nung chia sẻ, đồng bào M’nông có truyền thống nấu rượu cần để phục vụ gia đình và các sinh hoạt cộng đồng. Rượu được nấu bằng men cây rừng, ủ trong ché trong nhiều tháng liền nên khi uống rất ngọt và ấm.

Tháng 8/2022, bà H'Thương đã tự ủ rượu theo phương pháp truyền thống và lấy tên “Rượu cần Trung Niên”. Cuối năm đó, những ché rượu cần được bán ra thị trường, nhận được sự phản hồi tích cực của người tiêu dùng.

Đến năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bà H’Thương đã xây dựng phương án khôi phục nghề làm rượu cần, với mong muốn giữ nghề truyền thống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Từ thương hiệu “Rượu cần Trung Niên”, bà H’Thương tập hợp thêm 11 hộ dân trên địa bàn xã để tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp Rượu cần Nâm Nung. Phương pháp nấu rượu cũng đa dạng hơn khi sử dụng cả kỹ thuật lên men của đồng bào Thái, Sán Chỉ … góp phần tạo nên sự đa dạng trong ché rượu cần Nâm Nung.

hinh-ruou-can-2.jpg
Chị H’Such, thành viên tổ hội nghề nghiệp tham gia nấu rượu cần phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán năm 2024

Bà H’Thương chia sẻ: “Năm 2023, ngay sau khi Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất rượu cần được UBND xã Nâm Nung phê duyệt, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc nấu rượu. Dịp Tết Nguyên đán năm 2024, tổ hội nghề nghiệp đã nấu được hơn 80 ché rượu để phục vụ nhu cầu của người dân. Phần lớn rượu làm ra đã được bán hết, tạo động lực để chúng tôi tiếp tục triển khai dự án trong thời gian tới”.

Tổ hội nghề nghiệp Rượu cần Nâm Nung có 11 hộ dân tham gia thì có đến 10 hộ nghèo và cận nghèo. Quá trình hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hơn 130 triệu đồng để mua nguyên liệu và thiết kế bao bì, giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho các thành viên tham gia.

Chị H’Such, thành viên tổ hội nghề nghiệp chia sẻ: “Trước đây người dân chỉ nấu rượu phục vụ gia đình nhưng bây giờ rượu cần đã được nhiều người biết đến, mang lại thu nhập cho người nấu rượu. Tổ hội nghề nghiệp được hình thành, không chỉ giúp người dân có thêm việc làm mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp nên bà con rất vui và phấn khởi tham gia”.

hinh-ruoc-can-1.jpg
Sản phẩm rượu cần của xã Nâm Nung lên các sàn thương mại điện tử để thương hiệu được mọi người biết đến nhiều hơn

Để dự án phát triển bền vững, Tổ hội nghề nghiệp Rượu cần Nâm Nung đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, với vai trò là người sáng lập, bà H’Thương còn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để thương hiệu được mọi người biết đến nhiều hơn.

“Dù mới đi vào hoạt động được một thời gian, nhưng Tổ hội nghề nghiệp Rượu cần Nâm Nung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững. Trong thời gian tới, bên cạnh rượu cần, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm nghề dệt thổ cẩm, qua đó tạo cơ hội để người dân địa phương, đặc biệt là các lao động nữ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, huyện Krông Nô

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Rượu cần Nâm Nung lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO