Kinh tế

Rộng dài dư địa tăng trưởng nông nghiệp Đắk Nông

Hồng Thoan 05/01/2024 06:21

Với những tiềm năng, thế mạnh, nền nông nghiệp Đắk Nông còn có nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.

Nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến

Có thể nói, dư địa phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn, gắn với chuỗi giá trị, chế biến sâu, sản phẩm đặc trưng là một trong những điểm mạnh của Đắk Nông.

Đắk Nông, có tài nguyên đất bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, rất thuận lợi để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học, công nghệ chất lượng cao, bền vững.

dsc_0091(1).jpg
Dư địa phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị nông nghiệp Đắk Nông còn rất lớn

Quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng mở rộng, tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp hiện đạt trên 309.397 ha. Trong đó, diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm trên 235.200 ha. Đắk Nông xác định và xây dựng thành công các vùng nguyên liệu lớn về 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều.

Trong đó, một số loại cây trồng, Đắk Nông có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước. Điển hình như với cây hồ tiêu, Đắk Nông hiện có 34.000 ha. Năng suất bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 2,4 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn. Hồ tiêu Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích, đứng thứ 2 về sản lượng sau tỉnh Đắk Lắk.

dsc_1631(1).jpg
Đắk Nông có diện tích, sản lượng, chất lượng hồ tiêu đứng đầu Việt Nam

Tỉnh đã có 547 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ, khoảng 332 ha áp dụng quy trình GAP. Đắk Nông đã công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 2 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, huyện Đắk Song. Sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Đối với cây cà phê, Đắk Nông có diện tích cà phê đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên với 141.000 ha, sản lượng ước đạt 361.000 tấn/năm. Cà phê Đắk Nông ngày càng được canh tác theo các quy trình về nông nghiệp tốt được quốc tế công nhận, nhiều vùng miền có giống, điều kiện đất đai, khí hậu lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc biệt.

dsc_0197(1).jpg
Dư địa chế biến cà phê đặc sản của Đắk Nông còn rất lớn

Bộ NN-PTNT phê duyệt chương trình phát triển cà phê đặc sản tại huyện Đắk Mil. Tháng 8/2022, UBND tỉnh đã có kế hoạch phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển được khoảng 1.000 ha sản xuất cà phê đặc sản với sản lượng cà phê nhân chọn lọc đáp ứng chế biến sản phẩm cà phê đặc sản . Đây là những lợi thế lớn để người dân, doanh nghiệp, ngành chức năng kêu gọi đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến sâu.

Đối với cây hàng năm, tỉnh có diện tích sản xuất gần 74.000 ha năm 2023. Trong đó, Đắk Nông đã công nhận một vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô với diện tích gần 500 ha. Tỉnh có nhiều tiềm năng để xây dựng các vùng nguyên liệu lớn về ngô thương phẩm, ngô giống, đậu nành ở các địa phương phía bắc và giữa tỉnh.

Về những dư địa cho nông nghiệp tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên thông tin, trước thách thức biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu đối với cả quốc tế và Việt Nam, Đắk Nông đã và đang có nhiều dư địa khá lớn cho tăng trưởng nông nghiệp.

Trong đó, tỉnh xác định nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ cao làm mũi nhọn đột phá.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao nên Đắk Nông có dư địa để kêu gọi, khuyến khích đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn trên địa bàn các huyện, thành phố.

Theo thống kê, Đắk Nông hiện có 84 doanh nghiệp chế biến nông sản ở quy mô nhỏ, vừa và hàng trăm hộ gia đình sơ chế, chế biến. Các doanh nghiệp chế biến sâu các loại nông sản gồm: cà phê nhân, hồ tiêu, hạt điều, đậu phụng, chanh dây, mía đường, mắc ca, hạt óc chó, hạnh nhân, sachi, ca cao, rau quả, sầu riêng, khoai lang.

Điều đáng nói là sản lượng chế biến của các doanh nghiệp chỉ mới là phần nhỏ trong tổng sản lượng nông sản hàng năm. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư vào liên kết với người dân, chế biến sản phẩm.

Cơ hội cho chăn nuôi quy mô lớn

Những năm gần đây, Đắk Nông đang được nhiều nhà đầu tư coi là điểm đến của chăn nuôi quy mô lớn. Hàng loạt trang trại được đầu tư bài bản, diện tích lên đến hàng chục ngàn mét vuông tại các địa phương. Trong đó, chăn nuôi theo hình thức liên kết theo chuỗi giá trị được coi còn nhiều dư địa.

Bởi người dân khi tham gia được cung ứng vật tư, con giống và được bao tiêu đầu ra với mức giá ổn định. Toàn tỉnh hiện có 5 liên kết với quy mô khoảng 246.950 con, chiếm 59% tổng đàn heo, 2 liên kết với 24 trang trại chăn nuôi quy mô 684.400 con, chiếm 31% tổng đàn gia cầm.

Về dư địa cho chăn nuôi, ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết thêm: Đắk Nông phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng tập trung trang trại, an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, trong đó ưu tiên phát triển đàn lợn; đàn gia cầm, chủ lực là con gà theo cả hướng thịt và hướng trứng; đàn gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê. Chủ lực trước mắt là con bò thịt, lâu dài có thể phát triển thêm còn bò sữa khi thu hút được doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa đến đầu tư tại tỉnh.

Dư địa cho kinh tế rừng bền vững

Dư địa kinh tế rừng của Đắk Nông năm 2024 và những năm tiếp theo được nhiều ý kiến đánh giá là rất lớn. Bởi tỉnh hiện có nguồn tài nguyên rừng nguyên sinh được bảo vệ, giữ gìn hiệu quả, kết hợp với diện tích rừng trồng tăng lên hàng năm. Riêng năm 2023, tỉnh trồng được trên 2.200 ha rừng gồm trồng tập trung, phân tán và nông lâm kết hợp.

Trong đó, nông lâm kết hợp được coi là một trong những giải pháp sẽ tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến phát triển kinh tế nông hộ. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Dịch vụ Long Việt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết: Mắc ca là cây lâm nghiệp, nhiều năm nay, HTX đã liên kết với hộ dân địa phương xây dựng các vườn cây mắc ca kết hợp cây nông nghiệp khác.

Hình thức nông, lâm kết hợp không chỉ tăng độ phe phủ rừng địa phương mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Dung khẳng định, dư địa cho phát triển kinh tế từ mô hình nông lâm kết hợp gồm cây mắc ca là rất lớn. Những năm gần đây, mắc ca luôn được thị trường đón nhận nồng nhiệt.

Bà Dung cho rằng, các cấp, ngành cần có những chính sách nhằm giúp đỡ người dân canh tác cây trồng này hiệu quả hơn như về giống, vốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với kinh tế rừng, Đắk Nông có nhiều dư địa khi thực hiện tốt hoạt động về chi trả dịch vụ môi trường rừng, đạt các tín chỉ cácbon nhằm đáp ứng các nhu cầu khác như về du lịch, thủy điện…

Dư địa ngành NN-PTNT tỉnh Đắk Nông còn được nhìn nhận ở một số khía cạnh như sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông…

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Rộng dài dư địa tăng trưởng nông nghiệp Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO