Ý nghĩa lễ ăn trâu
Lễ hội ăn trâu là một trong những lễ hội đặc sắc, thể hiện lòng tôn kính của người dân với Giàng, tạ ơn Giàng đã phù hộ cho dân làng có được vụ mùa bội thu và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Lễ ăn trâu thường được tổ chức vào tháng 1 đến tháng 3 và dịp mừng chiến thắng, mừng thắng lợi của cộng đồng, khánh thành nhà dài, nhà rông, lễ cầu an, lễ xóa điềm xấu, điềm gở cho cả buôn làng. Thông thường, lễ hội được tổ chức tại sân nhà cộng đồng, nhà dài, nhà rông hoặc nơi hội họp của bon làng và thường kéo dài trong 3 ngày.
Chuẩn bị cho lễ hiến sinh
Để chuẩn bị cho lễ ăn trâu, bà con dân làng chuẩn bị những lễ vật như: rượu, thịt, cơm nếp, trầu thuốc… và bắt buộc phải làm cây nêu. Việc tạo ra cây nêu góp phần làm cho buổi lễ thêm long trọng và linh thiêng. Cây nêu dựng trước sân là biểu tượng chính của lễ hội, cây nêu làm bằng tre được trang trí những hoa văn truyền thống, những hình tượng chim thú biểu trưng của đồng bào dân tộc. Một số thanh niên mang dây thừng bện bằng vỏ cây thật chắc, bắt trâu mang về buộc vào gốc cây nêu. Già làng làm chủ lễ, cúng hồn lúa cùng Giàng, hát bài khóc trâu thật thống thiết...
Khóc trâu
Lễ ăn trâu diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Để gọi thần về ăn trâu và an ủi con trâu trước lúc hiến sinh, đồng bào có những bài khấn, khóc trâu để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật trước khi nó được làm lễ.
Biểu diễn chiêng quanh cây nêu trong lễ ăn trâu |
Lời khóc trâu vừa dứt, đoàn khách được mời đến dự lễ cử ra một người đâm trâu. Trong khi đâm trâu, hai dàn nhạc cồng chiêng của hai bên chủ, khách nổi lên để làm cho người đâm trâu thêm phấn chấn, can đảm. Khi trâu chết, người ta lấy chiếc chiêng mẹ đặt lên mình trâu, hoặc dùng chăn mới dệt chất lên mình trâu, rồi lấy máu trâu phết vào cây nêu, cọc buộc trâu và kèn r’lét.
Cúng gọi hồn lúa
Lễ cúng tiếp theo được tổ chức trên kho lúa. Chủ lễ lấy sợi chỉ buộc từ kho lúa đến chỗ đầu trâu, tượng trưng cho lối đi của hồn lúa. Chủ nhà lấy huyết trâu với rượu rồi đổ vào bầu nước và tưới tượng trưng lên kho lúa. Làm như vậy, họ tin rằng hồn lúa sẽ được mát mẻ, mọi điều xấu, tai ương sẽ qua đi.
Thực hiện xong nghi lễ, mọi người cùng hát múa, ăn mừng, uống rượu cần. Thịt trâu được chia cho dân làng mang về để thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng.
Những hoạt động văn hóa truyền thống được phát huy
Trong những ngày này, các cô sơn nữ trong trang phục dân tộc, váy áo xúng xính, rực rỡ sắc màu cùng những chàng trai chân trần đóng khố, kết thành vòng nhảy múa quanh bếp lửa bập bùng, theo nhịp chiêng rộn ràng, tươi vui và ấm áp nghĩa tình đồng bào. Ngoài ra còn có các hoạt động thi thố tài năng bằng các môn thể thao truyền thống như đấu vật, đẩy gậy, ném lao, bắn cung... Và đặc biệt là các chiến binh nhảy múa, diễn lại cảnh đánh nhau và chiến thắng để khơi dậy dũng khí trong lòng mọi người tham dự. Tất cả mọi hoạt động đều được diễn ra xung quanh cây nêu có con trâu – vật tế lễ đã được buộc chặt.
Để sinh tồn phát triển và vượt thách thức, con người cần giao lưu gắn kết cộng đồng, cùng hướng tới sức mạnh siêu nhiên thông qua các thần linh, nghi lễ. Sau lễ hội đâm trâu, mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nhân lên gấp bội, ai nấy hăng hái trở lại chuỗi ngày lên nương rẫy, lao động sản xuất, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tiếp nối cho lễ ăn trâu năm sau được tưng bừng, no đủ hơn.