Nghệ nhân Lục Thị Nương, thôn 4, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Kìn chiêng bốc mạy” là lễ hội tiêu biểu, phản ánh đặc trưng văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần bao đời nay của dân tộc Thái. Tích xưa kể rằng, lễ hội “Kìn chiêng bốc mạy” bắt nguồn từ các ông mo, bà tày trong thôn chuyên lo việc chữa bệnh cứu người bằng lá cây hoa cỏ ở trong vườn nhà, ở rừng và cầu cúng thần linh nhằm xua đuổi ma rừng, ma núi để chúng không đến quấy nhiễu bản làng.
Qua đó, mong cầu cuộc sống bình yên, khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc và biết ơn các đấng thần linh đã phù hộ, chở che. Đây còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, phản ánh bức tranh đa sắc màu văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái.
Lễ hội tái hiện cảnh vật buổi sáng tinh mơ một ngày cuối năm, sau khi hoàn thành thu hoạch mùa màng, bà con chuẩn bị mâm lễ cúng thịnh soạn, mang thêm chum rượu cần, đệm bông lau, gạo nếp thơm, con gà béo, cá kẹp nướng, bánh sừng trâu, mâm xôi bày tỏ lòng thành đến với các thần linh. Khi tất cả xong xuôi, bà mo (thầy cúng) ngồi trước mâm lễ đọc lời khấn Tổ tiên, các vị thần về nhận lễ vật, chung vui với bà con. Dưới sự hướng dẫn của bà mo, các thành viên ngồi phía sau cùng khấn theo, cảm tạ các đấng thần linh, tổ tiên đã cho họ cuộc sống bình yên, sức khỏe và hạnh phúc.
Nghi thức cúng kết thúc, mọi người bắt đầu vào phần hội với các hoạt động ăn uống, vui chơi, giải trí, văn nghệ. Tiếng nghệ nhân Lục Thị Nương trong vai bà mo vang vọng khắp khuôn viên nhà rông: “Thần linh đã chứng, giờ ta thay mặt thần linh phát lộc cho các con. Cầu cho các con năm nay sức khỏe, làm ăn mùa màng bội thu, cầu cho bản ta đời đời ấm no hạnh phúc. Hỡi các con cháu bản trên bản dưới, lễ hội đã được tâu, thần linh đã chứng, con cháu ta mau mau vào hội đón xuân nào. Các con hãy nổi trống, nổi chiêng lên để chúng ta mau vào hội nào”.
Phần hội tại lễ “Kìn chiêng bốc mạy” của người Thái ở thôn 4, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai mô phỏng một số trò chơi dân gian trong lao động sản xuất của cộng đồng người Thái thời xa xưa như chơi bói hoa, chơi tung còn, đánh mắng (tiếng Thái gọi là tó mắc lẻ), chơi thẻ, chơi ô ăn quan… Thông qua trò chơi giúp cộng đồng người Thái thêm đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu nhau hơn. Đặc biệt, trong lễ “Kìn chiêng bốc mạy” không thể thiếu cây bông. Cây bông được xem là linh hồn, trung tâm của lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân hạ thu đông, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban tặng cho con người từ thuở xa xưa, qua đó nhằm kết nối, nói lên ước nguyện của bà con với thần linh, cầu mong được chở che, ban phước lành.
Thôn 4, xã Ia Đal hiện đã đạt chuẩn nông thôn mới, có 93 hộ với 354 khẩu và chỉ còn 5 hộ nghèo. Toàn thôn có 8 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Thái đen chiếm phần lớn với 75%. Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội tại thôn có sự góp sức không nhỏ của cộng đồng người Thái sinh sống tại đây, trong đó, có việc tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, góp phần phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Nghệ nhân Lục Thị Nương là một trong những thành viên cao tuổi nhất đội, luôn ý thức việc giữ gìn và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, sau khi vào định cư tại thôn 4, xã Ia Đal, bà cùng với các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn tích cực gìn giữ, truyền dạy cho lớp trẻ những nét văn hóa đặc sắc của người Thái, trở thành tấm gương tiêu biểu trong giữ gìn văn hóa dân tộc ở địa phương.
Anh Hà Văn Tình (36 tuổi) là người dân tộc Thái, hiện là Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn 4, đội trưởng đội nghệ nhân Thái tại thôn cho biết: Đội có đủ mọi lứa tuổi, nhỏ nhất sinh năm 2005. Chúng tôi thành lập câu lạc bộ dân gian để tạo sân chơi, duy trì tập luyện, bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ còn giúp tuyên truyền, vận động lớp trẻ yêu quý, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, không để bị mai một.