Rau, củ, quả Đắk Nông xuất ngoại
Rau, củ, quả Đắk Nông đang xây dựng vùng trồng, liên kết chuỗi giá trị và đã đáp ứng được nguồn hàng cho chế biến, xuất khẩu.
Cải thảo Quảng Sơn thành đặc sản Hàn Quốc
Những năm qua, hàng trăm hộ dân liên kết với HTX Nông nghiệp – Dược liệu – Dịch vụ - Thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong trồng cải thảo bán cho Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam (An Giang) xuất sang Hàn Quốc làm kim chi.
.jpg)
Theo bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX chất lượng kim chi làm từ cải thảo của Quảng Sơn có hương vị thơm ngon không khác kim chi làm từ cải thảo Hàn Quốc
“Nếu không ngon thì Công ty CJ Foods Việt Nam không xây dựng nhà máy tại tỉnh An Giang để chế biến kim chi xuất sang Hàn Quốc từ mấy năm nay”, chị Toản cho biết.
Bà Toản cho biết thêm, cải thảo ở đây dù chưa có tên tuổi, nhưng được đánh giá cao nhờ có độ ngọt, thơm, giòn. Rất phù hợp để chế biến các món ăn hợp khẩu vị địa phương, đặc biệt là chế biến kim chi. Ở huyện Đắk Glong chỉ có 2 vùng trồng lý tưởng với cây rau xanh, trong đó có cải thảo là xã Quảng Sơn và Đắk Ha.
.jpg)
Các yếu tố này được quyết định nhờ độ cao, khí hậu, thời tiết phù hợp. Đặc biệt ở đây là vùng đất mới sản xuất, không bị ô nhiễm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhiều.
Hơn nữa, HTX Thịnh Phát còn tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế tối đa việc sử dụng BVTV hóa học, chủ yếu là dùng thuốc sinh học.
Để liên kết với Công ty CJ CJ Foods Việt Nam, tập đoàn lâu đời trong ngành thực phẩm tại Hàn Quốc, năm 2022, HTX được Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất cải thảo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bắt đầu từ đó, HTX Thịnh Phát đã kết nối để cây cải thảo từ vùng đất đỏ Quảng Sơn thành sản phẩm kim chi Hàn Quốc. Kim chi của CJ Foods Việt Nam nổi bật với hương vị chua cay đặc trưng, độ giòn ngon, không chỉ phù hợp với khẩu vị người Hàn còn lôi cuốn cả của người tiêu dùng Việt.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng cải thảo, ông Bế Văn Chiến ở bon N’ting, xã Quảng Sơn đã tiếp cận được với quy trình nông nghiệp tốt (GAP), sản phẩm làm ra được bao tiêu theo hợp đồng nên nguồn thu nhập của gia đình khá ổn định.
Ông Chiến cho biết: “Khi tham gia trồng cải thảo VietGAP, cải thảo chúng tôi được nhiều người đánh giá cao. Từ đó, bà con thay đổi tư duy sản xuất đơn lẻ sang tập trung, quy mô lớn đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy”.
Theo ông K’Siêng, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, sản xuất theo hướng VietGAP đã tạo ra sản phẩm rau xanh chất lượng tại địa phương. Từ đó, bà con dần thay đổi thói quen mạnh ai nấy làm sang sản xuất có trách nhiệm, từ sản xuất tự phát sang liên kết làm ra sản lượng hàng hóa lớn.
.jpg)
Vùng chuyên canh cải thảo đã giúp người dân nhận thức rõ về sản xuất nông nghiệp là phải tuân thủ an toàn, có trách nhiệm bản thân, gia đình và cộng đồng. “Có đồng lòng thì mới làm ra sản phẩm đồng chất, đồng giá được”, ông K’Siêng nói.
HTX đã đem lại thu nhập lớn cho các thành viên trồng cải thảo VietGAP. Trung bình 1ha cải thảo đạt 30 tấn/vụ, những hộ chăm sóc tốt đạt 60 tấn. Trong 3 năm qua, các hộ trồng cải thảo có lời khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Mỗi tháng, HTX cung cấp từ 50 - 100 tấn cải thảo VietGAP cho đối tác xuất khẩu.
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Năm 2024, Đắk Nông có 1.730ha rau xanh, sản lượng đạt 25.943 tấn. Hiện nay, nguồn rau, củ của tỉnh chủ yếu cung cấp cho nhu cầu tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, sản lượng rau, củ của tỉnh xuất khẩu ra thị trường thế giới đang tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2022, Đắk Nông xuất khẩu hơn 3.000 tấn rau, củ; năm 2023 hơn 5.000 tấn và năm 2024 gần 6.000 tấn
Lãnh đạo Sở NN - PTNT đánh giá, tiềm năng phát triển lớn, chủng loại đa dạng, nhưng hiện nay, diện tích rau, củ của tỉnh bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu của Đắk Nông vẫn chưa nhiều.
Tỉnh mới có một vài đơn vị như HTX Nông nghiệp – Dược liệu – Dịch vụ - Thương mại Thịnh Phát, Công ty CP Nông nghiệp sạch Đắk Nông, xuất khẩu ra củ sang thị trường một số nước với khối lượng chưa lớn.
.jpg)
Nguyên nhân do quy trình sản xuất của các nông hộ, doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Mặt khác, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, khâu sơ chế, bảo quản còn yếu kém nên sản phẩm chủ yếu bán thô.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông, với xu thế hội nhập như hiện nay, để ổn định đầu ra cho sản phẩm rau, củ, quả thì sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận là điều kiện bắt buộc.
Do đó, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã hình thành nhiều vùng chuyên canh rau, củ, quả theo hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua.
Trong đó, tại một số địa bàn như: Thuận Hà, Thuận Hạnh, huyện Đắk Song; Đắk Ha, Quảng Sơn, huyện Đắk Glong... dần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
.jpg)
Đây là tiền đề để người dân có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, hướng đến liên kết cùng nhau sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng, tạo vùng nguyên liệu thường xuyên, liên tục cung ứng ra thị trường.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quy hoạch thêm các vùng sản xuất tại một số xã, huyện chuyên canh rau, củ, quả. Đồng thời, thành lập các tổ hợp tác, HTX đồng sở thích để nông dân có thể tập trung liên kết và tìm đầu ra dễ dàng hơn.
.jpg)
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ hỗ trợ các đơn vị, nông hộ tiếp tục định hình và quản trị chuỗi cung ứng rau quả ở từng khâu, bảo đảm sự gia tăng giá trị cho từng mắt xích trong chuỗi.
“Đây chính là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những tồn tại về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ở các vùng trồng hiện nay”, ông Chương cho biết thêm.