Rào cản trong nâng cao chất lượng báo chí địa phương
Con người là yếu tố hàng đầu để làm ra sản phẩm và duy trì, nâng cao chất lượng báo chí địa phương. Tuy thế, cơ quan báo Đảng địa phương rất khó “quyết” được về con người.
Điều dễ nhận thấy, hiện nay, ở các cơ quan báo chí địa phương có những người “đuối” dần hoặc không đáp ứng được những yêu cầu của báo chí trong giai đoạn mới. Tuy vậy, tổng biên tập hay giám đốc đài PTTH tỉnh hầu như không “xử lý” được số viên chức này, nhất là những người trong biên chế.
Do khống chế bởi số lượng biên chế, nên khi những người này chưa “ra” thì người khác không có chỗ để “vào”. Lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương muốn có thêm người trẻ, có năng lực chuyên môn làm báo hiện đại, để họ “đa nhiệm”, để đóng góp vào sự phát triển cơ quan, nhưng bị “vướng” bởi cơ chế.
Nghị định số 161/NĐ-CP, ngày 29/11/2018 về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức không cho phép người đứng đầu cơ quan báo chí địa phương ký hợp đồng lao động (1).
Để “lách” quy định trên, đang tồn tại 2 hướng xử lý, là “làm liều” và “đánh tráo khái niệm”.
“Làm liều” là cách cơ quan báo chí địa phương cứ để nguyên số lao động đang ký hợp đồng, coi như chưa hề có quy định tại Nghị định 161 nói trên. Cơ quan quản lý cũng “làm lơ” cho cơ quan báo chí làm điều ấy.
Nhưng một số nơi yêu cầu phải thực hiện đúng quy định. Thế nên, sinh ra cách thứ hai là “đánh tráo khái niệm”. Một số cơ quan báo chí địa phương đã “cắn răng” cho các trường hợp đang hợp đồng phải “ra đi”.
Để có người làm việc, đáp ứng khối lượng nhiệm vụ ngày càng tăng, các cơ quan báo chí này tiến hành chấm dứt hợp đồng với số đang hợp đồng và thực hiện tuyển cộng tác viên.
Nhiều “cộng tác viên” được tuyển dụng chính là số lao động mới cho chấm dứt hợp đồng lao động. Về công việc, yêu cầu đối với số “cộng tác viên” này gần giống như phóng viên trong biên chế.
Cả 2 hướng xử lý trên đều có những hệ lụy.
Hướng “làm liều” thì lãnh đạo cơ quan và số lao động hợp đồng luôn trong tình trạng có thể bị xử lý trách nhiệm, thậm chí bị kỷ luật, cho chấm dứt hợp đồng lao động bất cứ lúc nào. Họ phải chịu áp lực tâm lý lớn vì điều ấy, nên khó có thể nói là hoàn toàn yên tâm gắn bó và toàn tâm, toàn ý với công việc.
Những hệ lụy ở hướng “đánh tráo khái niệm” cũng khá nhiều. Dù lãnh đạo cơ quan và đồng nghiệp luôn coi (hoặc rất muốn coi) số “cộng tác viên” giống như những người trong biên chế, hợp đồng trước đây nhưng không dễ. Các “cộng tác viên” không có cơ sở cụ thể để bảo đảm cho sự ổn định công việc trong cơ quan báo chí địa phương.
Khi làm việc, có những trường hợp “cộng tác viên” không được đi đưa tin các hội nghị, sự kiện của tỉnh. Hoặc có nơi, có “cộng tác viên” không thực hiện một số nhiệm vụ do cơ quan giao…
Hiện nay, một số báo Đảng địa phương chỉ có 5 - 7 phóng viên trong biên chế. Số này có thể giảm tiếp khi các cơ quan báo chí (đơn vị sự nghiệp công lập) thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế trong giai đoạn 2022-2026.
Ở Đắk Nông, Báo Đắk Nông cũng đang trong tình thế đó. Nếu thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế, với vị trí việc làm đã được phê duyệt thì đến 2026, Báo Đắk Nông cũng chỉ có chừng 5-7 phóng viên trong biên chế.
Rào cản để nâng cao chất lượng đối với cơ quan báo chí địa phương về con người còn ở khía cạnh cạnh tranh với các cơ quan truyền thông khác. Các cơ quan truyền thông hiện nay rất linh hoạt, thông thoáng trong tuyển dụng, đãi ngộ người trẻ, có năng lực chuyên môn tốt vào làm việc.
Môi trường làm việc ít gò bó, thu nhập cao hơn, nên nguồn lao động từ các trường đào tạo về báo chí, truyền thông có xu hướng muốn làm ở khối ngoài Nhà nước hơn.
Do đó, cơ quan báo chí địa phương rất khó để có thể tuyển người mới, cho dù có thể quy định về tuyển dụng hợp đồng lao động sẽ được “mở” ra trong thời gian tới đây.
Rào cản về cơ chế đối với các cơ quan báo chí địa phương hiện đã được nhìn nhận và xem xét tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện nay việc nhìn nhận, xem xét tháo gỡ vẫn chưa đủ để tạo lạc quan.
Cơ chế tài chính với cơ quan báo chí địa phương vẫn chưa vào đời sống dù Nghị định 60/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn thực hiện về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã ban hành từ năm 2021.
Cơ chế về nhuận bút, tổ chức bộ máy, tuyển dụng lao động đối với các cơ quan báo chí đang được xem xét, sửa đổi nhưng một số nội dung trong dự thảo sửa đổi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau (2).
(1) Nghị định số 161/NĐ-CP, ngày 29/11/2018 quy định các công việc không thực hiện ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập: Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.
(2) Một số cơ chế đang được xem xét sửa đổi, bổ sung: Quy định 338 -QĐ/TW, ngày 26/11/2010 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định 18/NĐ-CP, ngày 14/3/2014 của Chính phủ về nhuận bút; Nghị định số 161/NĐ-CP, ngày 29/11/2018 về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức...