Kinh tế

Rào cản phát triển từ đồ án, dự án quy hoạch treo

Nguyễn Lương 11/08/2024 11:12

Nhiều dự án, đồ án quy hoạch treo tại Đắk Nông đã để lại những hệ lụy, trở thành rào cản lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hệ lụy đến sự phát triển

Đắk Nông có hơn 50 dự án, đồ án quy hoạch chậm triển khai. Tỉnh xác định, có nhiều nguyên nhân vướng mắc dẫn đến thực trạng đáng buồn này.

Một trong những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, đồ án quy hoạch là do còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng.

Sự phối hợp của các cấp chính quyền trong thực hiện quy hoạch, dự án chưa tốt. Nhiều khu vực quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa đồng bộ với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

z5237637638975_3b07a36bdafb3c044baa33f04d657e1a(1).jpg
Đắk Nông khó thu hút đầu tư vì vướng nhiều dự án, đồ án treo

Nguồn lực thực hiện các dự án, đồ án còn hạn chế. Một số trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực, cố ý kéo dài với mục đích chiếm giữ đất đai, quy mô hoành tráng, nhưng thiếu khả thi, chưa phù hợp thực tế.

Thực trạng dự án treo, đồ án treo gây ra rất nhiều hệ lụy. Có những đồ án, dự án lập đã hơn 10 năm, thậm chí 20 năm nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện.

Đây là nguyên nhân hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, dẫn đến kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Người dân trong vùng quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề. Nhà nước thất thu ngân sách, bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Quy hoạch, dự án, đồ án đã phê duyệt, nhưng không thực hiện được dẫn đến các kế hoạch phát triển kinh tế nói chung bị tắc nghẽn. Kéo theo đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, môi trường, cơ sở vật chất không đồng bộ.

Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư, dự án, đồ án treo gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Chưa kể, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng không tránh khỏi.

Thực tế, thu hút đầu tư tại Đắk Nông chưa lớn. Điểm qua các dự án được thu hút đều có quy mô nhỏ lẻ, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đơn cử như năm 2023, Đắk Nông thu hút được 16 dự án, với tổng vốn 2.500 tỷ đồng. Trong số này, tỉnh phê duyệt được 10 dự án, với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, giảm 3 dự án so với năm 2022.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Đắk Nông chỉ thu hút được 1 dự án (không tính dự án FDI) với tổng vốn 13 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 3 dự án, giảm số vốn 443 tỷ đồng.

img_9750(1).jpg
Nhiều Dự án phê duyệt nhiều năm, không triển khai ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân (Dự án khu đô thị số 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông))

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư khó thực hiện. Bởi vì, hầu hết nhà đầu tư vào khảo sát, tìm hiểu đều nhận thấy có đất đai có nhiều vướng mắc tại các quy hoạch trước đó.

Việc tồn tại quá nhiều dự án, đồ án treo đã gây lãng phí rất nhiều thời gian và chi phí. Thực tế này khiến cho quy hoạch ban đầu không khả thi.

Không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, lãng phí tài nguyên đất, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, dự án và quy hoạch treo còn để lại nhiều hệ lụy đối với mỹ quan, môi trường đô thị.

Người dân chật vật vì quy hoạch treo

Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn khiến người dân trong khu vực dự án nhiều bức xúc.

Dự án, đồ án kéo dài không thực hiện, người dân mất đi nhiều quyền lợi. Họ không được phép xây dựng nhà ở hợp pháp, không được đầu tư, sản xuất. Thậm chí, người dân vay vốn để phát triển kinh tế cũng không được công nhận tài sản liên quan…

1f85bbb329e48dbad4f5(1).jpg
Nhiều hộ dân thuộc Dự án 24ha, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) sống trong cảnh tạm bợ vì nhà cửa xuống cấp

Năm 2028, Dự án quy hoạch số 2, với diện tích 87ha tại tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung được chấp thuận. Tuy nhiên, đã gần 15 năm trôi qua, dự án vẫn án binh bất động. Nhiều người dân rất bức xúc vì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Bà Đinh Thị Nhàn, tổ 5, phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa đã 15 năm sống trong căn nhà tạm bợ, lụp xụp. Gia đình bà có hẳn thửa đất thổ cư hơn 300m2.

Tuy nhiên, bà đã 5 lần đi xin giấy phép xây dựng nhưng không được chấp thuận. Mỗi lần mưa to, gió lớn, gia đình bà luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu.

“Nếu Nhà nước quy hoạch thì thu hồi đất dứt điểm, cấp nơi ở ổn định cho dân. An cư rồi mới lạc nghiệp. Nhà cửa thế này, người dân không còn tinh thần để tập trung làm ăn”, bà Nhàn bức xúc.

Dự án Khu đô thị mới tổ 4, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa được phê duyệt năm 2020. Dự án triển khai trên diện tích 71,99ha, thu hồi đất của 134 trường hợp.

Có hơn 60 trường hợp đã được kiểm kê tài sản trên đất và 40 trường hợp đã hoàn thiện hồ sơ. Sau khi có chủ trương thu hồi đất, địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân dừng canh tác, chuẩn bị bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, phần lớn người dân trong vùng dự án khu đô thị mới tổ 4 có đời sống phụ thuộc vào nông nghiệp.

img_2568(1).jpg
Nhiều hộ dân thuộc Dự án quy hoạch số 2, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) buồn bã vì nhà xuống cấp nhưng không được cấp giấy phép sửa sang, xây lại

Điều đáng bàn, sau nhiều năm liền, dự án vẫn chưa thu hồi đất. Người dân mất đi nguồn thu chính, trong lúc nông sản tăng giá, ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống kinh tế.

Nguồn gốc phát sinh khiếu kiện

Quy hoạch, dự án, đồ án chậm tiến độ kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh. Trong đó, nguồn gốc của các vụ khiếu kiện ở lĩnh vực đất đai cũng liên quan đến vấn đề này.

Những năm qua, tại Đắk Nông, tình hình khiếu nại tố cáo về vấn đề đất đai khá nổi cộm. Theo Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, trong 5 năm gần đây, đơn vị đã tiếp 368 lượt công dân, trong đó có 11 đoàn đông người. Ngoài ra, đơn vị đã tiếp nhận 1.134 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó, có 1.060 đơn đủ điều kiện.

9f3850c9359991c7c888(1).jpg
Người dân khu vực Dự án khu đô thị mới tổ 4, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) trao đổi trong lúc nhận được phản hồi của UBND TP. Gia Nghĩa

“Trên 80% đơn thư khiếu nại tố cáo ở lĩnh vực đất đai. Trong đó, rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai và bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết.

Theo vị lãnh đạo này, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này vẫn là các dự án chậm tiến độ, thậm chí kéo dài nhiều năm. Một số người dân trong vùng dự án lúc trước đồng tình cho Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án không triển khai nên gây khó cho dân trong sản xuất, sinh hoạt và các quyền lợi khác.

Có nhiều trường hợp, thời điểm thu hồi đất quá chậm dẫn đến chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng có sự chênh lệch, không thỏa đáng. Nhiều dự án phải thu hồi đất, nhưng chậm trễ trong việc bố trí tái định cư hoặc chưa bố trí quỹ đất để tái định cư trước khi thu hồi.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Rào cản phát triển từ đồ án, dự án quy hoạch treo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO