Các đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự, chủ trì tại điểm cầu chính tỉnh Đắk Nông.
Các đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu chính tỉnh Đắk Nông |
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 21 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ ĐV, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của TCCSĐ. Nâng cao chất lượng phát triển ĐV đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Đảng cũng đặt ra mục tiêu đến 2025, hàng năm có trên 90% TCCSĐ, ĐV được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản có ĐV. Tỷ lệ kết nạp ĐV mới hằng năm giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 3 - 4% tổng số ĐV.
Đến 2030, hàng năm có trên 90% TCCSĐ, ĐV được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ. Tỉ lệ kết nạp ĐV mới hằng năm giai đoạn 2025 - 2030 đạt từ 3 - 4% tổng số ĐV.
Để thực hiện được mục tiêu Nghị quyết số 21 đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Hội nghị nghe Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai quán triệt Nghị quyết số 21 về “về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên (ĐV) trong giai đoạn mới” |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: Hội nghị lần thứ năm đã xem xét, quyết nghị nhiều nội dung rất quan trọng. Trong đó có 4 nghị quyết được quán triệt tại hội nghị lần này nhằm tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã xác định, với tinh thần phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Tại hội nghị lần thứ năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng trong phiên khai mạc và bế mạc. Do đó, các cấp ủy, TCCSĐ, cán bộ, ĐV nghiên cứu quán triệt sâu sắc 2 bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lấy đó làm cơ sở cho quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết Trung ương năm.
Ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, ĐV và Nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung các nghị quyết. Nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; những vấn đề mới, cốt lõi.
Để qua đó, thấy rõ các nghị quyết là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng Đảng thêm trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín để lãnh đạo đất nước.
Công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt nghị quyết phải tiến hành thường xuyên, toàn diện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Trong đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị xã hội để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ, thông suốt và tích cực triển khai, thực hiện nghiêm nghị quyết.
Phát biểu kết luận hội nghị Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu quá trình thực hiện các nghị quyết có quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong thực hiện nghị quyết |
Cùng với tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt thì phải khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết của Trung ương thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể; có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, ĐV và Nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.
Thường trực Ban Bí thư cũng giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các ban đảng Trung ương, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, phối hợp cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mà các nghị quyết đề ra.