Quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10%
Ngày 9/2, Ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Năm 2022, tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc tiếp tục có chuyển biến tích cực. Toàn quốc xảy ra 11.457 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người.
So với năm 2021, số vụ TNGT giảm 38 vụ; số người chết tăng 598 người; số người bị thương giảm 214 người. Dù kết quả bảo đảm trật tự ATGT chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn giảm sâu cả 3 tiêu chí. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng tại các địa phương có chuyển biến rất tích cực.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đã được các tỉnh, thành phố triển khai, với hình thức đa dạng, phong phú…
Tuy nhiên, năm 2022, số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021. Cả nước còn xảy ra nhiều vụ TNGT làm chết nhiều người. Vi phạm hành lang ATGT chưa được xử lý kịp thời.
Tình trạng xe tải không thực hiện nghiêm quy định về vận chuyển hàng hóa diễn biến phức tạp. Tình trạng ùn tắc giao thông vào dịp lễ, tết tại các thành phố lớn còn diễn ra…
Năm 2023, Ủy ban ATGT quốc gia lấy chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông". Ủy ban ATGT quốc gia đặt mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương so với năm 2022.
Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban ATGT quốc gia đã đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các bộ, ngành, Ban ATGT các địa phương cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT ngay từ đầu năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia, các tỉnh, thành phố cần xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch bảo đảm ATGT năm 2023.
Các bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cần hành động với quyết tâm cao nhất để tiếp tục kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương từ 5-10%.
Các địa phương cần tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, xử lý dứt điểm các điểm đen, giải tỏa hành lang ATGT. Các tỉnh chú trọng xây dựng văn hóa giao thông, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT.
Các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT trong các trường học, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số...