Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu của cả nhiệm kỳ
Theo ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiều công việc và yêu cầu khác với thông lệ kỳ họp cuối năm bởi đây còn là kỳ họp giữa nhiệm kỳ để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các quyết đáp của Quốc hội sau nửa nhiệm kỳ; từ đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cập nhật, bổ sung các yêu cầu mới cho phù hợp với tình hình và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
Chính vì vậy, Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện cả hai nhiệm vụ, vừa đánh giá tình hình, kết quả của năm 2023, xác định kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2024 vừa đánh giá tình hình, kết quả của nửa nhiệm kỳ và những công việc phải dồn lực thực hiện trong nửa cuối nhiệm kỳ.
Khối lượng công việc của Quốc hội cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia đều tăng lên rất nhiều với yêu cầu và đòi hỏi rất cao về tiến độ, chất lượng. Có thể nói rằng, các nội dung nghị sự, các quyết đáp của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ Khóa XV.
Với tinh thần đó, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6.
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã tiếp tục phát huy tính tích cực, khẩn trương, chủ động, nâng cao trách nhiệm, cố gắng đổi mới, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các nội dung kỳ họp, đặc biệt trong điều kiện nhiều hồ sơ, tài liệu được trình gấp, nhiều nội dung khó, phức tạp.
Đến nay, các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, trong đó có những nội dung đã được cho ý kiến nhiều lần để bảo đảm cao nhất về chất lượng trình Quốc hội.
Ngày 17/10 vừa qua, Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã cùng nhau rà soát từng công việc, từng hồ sơ tài liệu, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và sau đó, giao cho các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung giải trình, làm rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án trình Quốc hội.
Trong Kỳ họp, các cơ quan sẽ tiếp tục chủ động cung cấp thông tin, giải trình đầy đủ, kịp thời về các nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm, để đại biểu Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định, bảo đảm chất lượng cao nhất.
Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung trình Quốc hội, công tác bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, thông tin tuyên truyền, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, y tế... đều đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và đã sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp.
Đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc các kết quả đã đạt được
Trao đổi về việc xem xét, đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, ông Bùi Văn Cường cho biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và qua rất nhiều kênh thông tin, tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn... để có đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc về kết quả đạt được cũng như xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này.
Đánh giá chung cho thấy, trong nửa đầu nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ với những chính sách, giải pháp chưa có tiền lệ cả trong ngắn hạn và dài hạn, sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, đến nay, đất nước ta đã cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.
Trong đó, về tốc độ tăng trưởng GDP, năm 2021, khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm thì chúng ta vẫn đạt 2,56%; năm 2022 đạt mức 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch (6 - 6,5%); 9 tháng đầu năm nay tuy có những khó khăn, thách thức gay gắt hơn dự báo nhưng chúng ta vẫn đạt 4,24%, cả năm dự báo khoảng 5 - 5,5%.
Lạm phát cơ bản được kiểm soát phù hợp; cơ cấu thu ngân sách được củng cố; bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 3 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận.
Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt, hiệu quả; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực; năng lực cạnh tranh được cải thiện.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng. Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh.
Các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân được thực hiện tốt. Vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước được nâng lên.
Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được triển khai hiệu quả. Các chính sách người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo được thực hiện kịp thời. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.
Đặc biệt, hoạt động đối ngoại tiếp tục được nâng cao, có nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, ngoại giao Nghị viện... Niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao.
Những kết quả trên đây càng có ý nghĩa hơn khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay là giai đoạn Việt Nam và cả thế giới đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng lớn do tác động của đại dịch COVID-19 và những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, sự thất thường, khắc nghiệt của thiên tai, biến đổi khí hậu...
Ngay cả trong thời điểm hiện nay, kinh tế toàn cầu cũng vẫn đang rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, thậm chí còn suy thoái cục bộ trong môi trường lạm phát, lãi suất và rủi ro tài chính cao hơn.
Với nước ta, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, dự báo, tăng trưởng kinh tế trong hai năm tới sẽ phục hồi tốt hơn so với năm 2023 do tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, cùng với việc Chính phủ, các Bộ, ngành quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ là một thách thức lớn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao độ và hành động quyết liệt của cả hệ thống.
Một số chỉ tiêu rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, như: chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỉ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...
Cùng với đó, một vấn đề cần hết sức lưu ý là, cơ cấu kinh tế cho đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi dù chủ trương tái cơ cấu và lộ trình tái cơ cấu đã được xác định và được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta nhìn chung vẫn còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 chỉ tăng 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016 - 2018.
Năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế vẫn còn hạn chế. Cả 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu trong khi chưa hình thành được các động lực tăng trưởng mới, đột phá...
Quyết liệt "làm mới" những động lực tăng trưởng cũ, khẩn trương kiến tạo các động lực tăng trưởng mới
Ông Bùi Văn Cường chia sẻ: Quốc hội cần làm gì và phải làm như thế nào để cùng với Chính phủ tăng tốc xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế mang tính cơ cấu nội tại của nền kinh tế? Làm gì và làm như thế nào để quyết liệt “làm mới” những động lực tăng trưởng cũ và khẩn trương kiến tạo các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và bất định?...
Đây là những câu hỏi rất lớn, rất trọng tâm mà các đại biểu Quốc hội cần tập trung thảo luận, thống nhất để triển khai thực hiện trên cơ sở các báo cáo, đánh giá, nguồn thông tin phong phú, toàn diện, đa chiều đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội chuẩn bị, báo cáo Quốc hội.
Tinh thần, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh, “thời gian chính là lực lượng”, chúng ta vừa phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trước mắt của nền kinh tế vừa phải hướng đến các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực nội tại của nền kinh tế, vừa phải tranh thủ khai thác và phát huy tối đa ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Đặc biệt, phải tiếp tục chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ bởi qua theo dõi, giám sát của Quốc hội và phản ánh của cử tri, Nhân dân cho thấy, đây vẫn còn là khâu yếu, một bộ phận cán bộ thực thi vẫn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong triển khai công vụ; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế./.