Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các dự án đầu tư; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân (Nghị quyết của Chính phủ: số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện: số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022, số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022, số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022; Thông báo kết luận số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022…); thúc đẩy giải quyết các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc (Nghị quyết của Chính phủ: số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021, số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo kết luận: số 46/TB-VPCP ngày 19/02/2022, 304/TB-VPCP ngày 26/9/2022, 336/TB-VPCP ngày 25/10/2022…) đảm bảo nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả, không lãng phí, trục lợi.
Các địa phương như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã có các giải pháp thúc đẩy quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với việc: khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc; xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân.
Để kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và Thông báo kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc; xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân, nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình, người có nhu cầu ở thật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người dân.
2. Chủ tịch Ủy ban dân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Về việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đường bộ cao tốc:
- Tiếp tục nhất quán phương châm việc triển khai các dự án đường cao tốc là công trình của quốc gia, phục vụ lợi ích chung của cả nước và mang lại động lực, lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; vì vậy, phải dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
- Tổ chức tuyên truyền tới các chủ đầu tư dự án, nhà thầu, tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác mỏ vật liệu về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, pháp luật liên quan, các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng để khai thác khoáng sản đúng quy định, đáp ứng tiến độ, khối lượng của các dự án trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra tình trạng giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, không đủ điều kiện gia hạn, thiếu nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.
- Khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án thực hiện rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.
- Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định.
- Giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan cấp trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án hoặc làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết, nếu không phải xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố. Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá xây dựng đảm bảo phù hợp với giá mặt bằng trong khu vực.
- Xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với các sở, ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
b) Về việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất:
- Khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, để kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành tập trung, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy để giải quyết, tháo gỡ; báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ hàng Quý, bắt đầu từ Quý II năm 2023.
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
c) Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân:
- Nghiêm túc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh bền vững và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện theo yêu cầu tại Công văn số 1794/VPCP-CN ngày 20 tháng 3 năm 2023.
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, công bố quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.
- Rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
- Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
- Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hôi, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
- Dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp và khu kinh tế theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
3. Bộ Giao thông vận tải:
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm toàn diện về nhu cầu các vật liệu thi công (bao gồm đất, đá, cát đắp nền) cho các dự án đầu tư xây dựng giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án đến năm 2024 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương theo yêu cầu tại Thông báo số 79/TB-VPCP ngày 17 tháng 3 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động làm việc với các địa phương để bảo đảm các mỏ và nguồn cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền phục vụ thi công; thực hiện theo đơn giá vật liệu do các địa phương ban hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính ổn định và không làm tăng vốn đầu tư.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Trên cơ sở tổng hợp toàn bộ trữ lượng các mỏ cát đắp nền và công suất khai thác từng năm, khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
5. Bộ xây dựng:
- Căn cứ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án đường bộ cao tốc.
- Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó đặc biệt đẩy mạnh: Nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" vào kỳ họp tháng 5 năm 2023; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Khẩn trương rà soát nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành "Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư" theo quy trình rút gọn trong tháng 4 năm 2023.
- Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản.
- Nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở xã hội nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, nhất là nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình, người có nhu cầu ở thật.