Nhiều công trình vướng mặt bằng
Giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Theo Sở KHĐT, ngoài những công trình chuyển tiếp, năm 2022, toàn tỉnh có 83 công trình khởi công mới. Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thiện các bước chuẩn bị đầu tư, nhưng còn vướng về mặt bằng.
“Việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND các huyện, thành phố còn nhiều vướng mắc. Điều này dẫn đến tình trạng chưa bàn giao mặt bằng kịp thời cho nhà thầu thi công”, ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KHĐT cho biết.
Dự án Quảng trường Trung tâm đang gặp một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng |
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng, đơn vị hiện có 7/31 công trình đang triển khai, nhưng vướng mắc do giải phóng mặt bằng chưa được.
Tiểu dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (Dự án Hồ Gia Nghĩa) là một ví dụ. Dự án có tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng, chia làm 2 gói thầu. Hiện nay, cả hai gói thầu đã hoàn thành trên 90% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, còn 27 hộ nằm trong vùng dự án chưa bàn giao mặt bằng. Điều này đồng nghĩa với việc đơn vị không có mặt bằng để triển khai thi công.
Đồ họa: Bình Minh - Nguyễn Lương |
Dự án Khu liên hiệp Bảo tàng, Thư viện và Công viên tỉnh Đắk Nông cũng đang trong tình trạng tương tự. Tổng mức đầu tư dự án hơn 124 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 8/2020.
Tuy nhiên, công trình chỉ mới dọn dẹp ở những vị trí có mặt bằng, tổ chức thi công một số hạng mục phụ trợ. Riêng các hạng mục chính đều nằm ở vị trí còn vướng mặt bằng, nên chưa thể triển khai.
“Trong năm 2022, chúng tôi dự kiến số vốn không có khả năng giải ngân khoảng 95 tỷ đồng. Nguồn này chủ yếu đối với nhóm công trình vướng giải phóng mặt bằng, các dự án tạm dừng thi công”, ông Nghĩa cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh kiểm tra công tác giải tỏa Dự án Quảng trường trung tâm |
Lập tổ giám sát tiến độ dự án
Vấn đề giải ngân vốn đầu tư đã, đang là nhiệm vụ trọng tâm được Đắk Nông đặc biệt quan tâm. Thậm chí, nhiều công trình trọng điểm, lãnh đạo tỉnh đi từng điểm, chỉ từng nơi để gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các công trình xây dựng tỉnh cho hay: “Trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, ngoài dự án Quảng trường trung tâm là cấp thiết, còn nhiều dự án đang vướng giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đề nghị địa phương quan tâm bố trí nguồn nhân lực để có giải pháp cưỡng chế các hộ dân chây ì ở các dự án còn lại”.
Đồ họa: Bình Minh - Nguyễn Lương |
Cũng theo ông Nghĩa, qua rà soát, nhu cầu bổ sung tổng đầu tư cho các dự án có khả năng hấp thụ tốt, giải ngân cao trong năm 2022 là 156 tỷ đồng.
Cùng với việc phối hợp với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng, Ban đang rà soát lại kế hoạch để điều chỉnh giữa các nguồn vốn. Mục tiêu của Ban sẽ điều tiết hết nguồn vốn đối với các dự án thiếu và dư trong năm 2022.
Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KHĐT cho rằng, nếu các dự án của Ban Quản lý dự án các công trình khởi công, sẽ góp phần lớn trong đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh.
Đồ họa: Bình Minh - Nguyễn Lương |
Tại hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra ngày 2/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu các đơn vị liên quan, các chủ dự án tuyệt đối không đổ lỗi cho điều kiện về khí hậu, thời tiết. Các đơn vị tập trung quyết liệt và chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát các công trình.
Sở KHĐT thành lập ngay tổ chuyên giám sát tiến độ các công trình, dự án, quyết tâm không thể để chậm trễ giải ngân vốn. Những dự án nào không có tính khả quan trong năm 2022, đề nghị các đơn vị tạm ngưng và chuyển vốn ngay.
Đồ họa: Bình Minh - Nguyễn Lương |
Giải phóng mặt bằng xây dựng công trình công cộng là để phục vụ bà con Nhân dân. Các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ mạnh mẽ.
"Khi bà con đồng lòng, ủng hộ thì chính quyền địa phương mới thực hiện thông suốt. Tình hình kinh tế, xã hội mới phát triển được", Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.