Theo Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, hiện nay, giá đền bù tại địa phương ngày càng tăng. Nhiều hộ dân chưa đồng thuận với việc đền bù. Một số hộ lại đề nghị thu hồi phần diện tích còn lại ngoài ranh giới mỏ, hỗ trợ cây trồng xen, nhà ở xây dựng không đúng quy định...
Do đó, tại các khai trường do Công ty quản lý thường xuyên diễn ra hoạt động tập trung đông người, xâm phạm ranh giới quản lý, cản trở hoạt động sản xuất. Mặt khác, một số hộ đã nhận tiền đền bù, nhưng cũng không chịu bàn giao đất.
Khu vực mỏ quặng tại Khai trường năm thứ 5 và 6 (Đắk R'lấp) |
Từ việc không thu hồi được đất đã dẫn đến có thời điểm Công ty thiếu diện tích khai thác, ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác mỏ, trung hòa phối trộn quặng, vận tải mỏ...
Điều này cũng làm tăng chi phí khai thác mỏ, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại Công ty. Bên cạnh đó, đối với cơ chế tài chính thực hiện dự án tái định cư hiện thực hiện vẫn còn chậm trễ.
Nhà đầu tư có sử dụng đất tự nguyện ứng trước kinh phí để thực hiện dự án tái định cư. Tuy nhiên, do mới được UBND tỉnh chấp thuận cuối tháng 6/2022, nên việc ứng vốn cho công tác đầu tư xây dựng các dự án tái định cư hiện mới được triển khai ở khâu thủ tục.
Từ việc chưa thực hiện được các khu tái định cư, dẫn đến gây khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ cho khai thác mỏ, triển khai các dự án trong thời gian tới.
Trong khi đó, thời gian này, TKV lại đang phải hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ dân đủ điều kiện chờ bố trí tái định cư, nên đã làm tăng chi phí sản xuất. Đến nay, TKV đã chi 23,15 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác này.
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Quản đốc Phân xưởng nguyên liệu - hòa tách cho biết, đền bù, giải phóng mặt bằng khó khăn, nên chất lượng quặng không được tốt như mọi năm.
Do đó, hiện tại, Phân xưởng đang phải tiếp tục đẩy mạnh tăng tải cho nhà máy, tăng lượng quặng nghiền cho các khu vực. Từ đó, góp phần tiết giảm các chỉ tiêu tiêu hao trong quá trình sản xuất.
Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các quy định trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng |
Theo ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Trong kế hoạch 6 tháng đầu năm, Công ty sẽ phải giải phóng được hơn 60 ha đất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới được 50%. Rất may là năm trước vẫn còn lượng quặng tồn kho, nên bảo đảm duy trì cho hoạt động ổn định tại nhà máy.
"Tại khai trường khai thác mỏ của năm thứ 5 và 6, Công ty đang làm đường vận tải đi vào, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thuận tiện trong đi lại, nhưng một số hộ vẫn ra cản trở không cho thi công", ông Ninh cho biết.
Hiện tại, chính quyền địa phương, Công ty đã triển khai tuyên truyền, giúp người dân nắm, thực hiện các quy định. Bởi nếu tình trạng này kéo dài, không được giải quyết dứt điểm, khả năng cao Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ bị thiếu quặng để vận hành sản xuất trong thời gian tới.
Theo báo cáo của UBND huyện Ðắk R’lấp, hiện nay, còn khoảng hơn 400 lô tái định cư chưa có quỹ đất để bố trí. Ðể giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã khảo sát, lựa chọn được 4 vị trí xây dựng để bố trí cho các hộ dân giải tỏa thuộc các khu vực mỏ bô xít và đề nghị ứng số tiền 200 tỷ đồng để thực hiện. |