Quyết liệt đấu tranh với tội phạm trồng cần sa trái phép

Minh Quỳnh| 21/06/2021 09:39

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Đắk Glong liên tiếp phát hiện các vụ trồng cần sa trái phép. Để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng trồng trái phép cây cần sa, Công an huyện Đắk Glong đang chỉ đạo các đội nghiệp vụ triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp.

6 tháng, bắt 10 vụ trồng trái phép cây cần sa

Mới đây nhất, ngày 13/6, Công an xã Đắk Ha phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện 1 vụ trồng trái phép hơn 200 cây cần sa ở khu vực rẫy vắng. Số lượng cây cần sa trồng trái phép trong khu rẫy cà phê của chị Ph ở thôn 3, xã Đắk Ha. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, thu giữ 221 cây cần sa, có chiều cao từ 45 cm đến 130 cm và được trồng trên diện tích hơn 1.000m2.

Tang vật thu được tại một hộ gia đình trồng cần sa trái phép ở thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong vào tháng 4/2021. Ảnh: Bá Hiển

Quá trình làm việc, chị Ph khai nhận, thông qua mạng xã hội Facebook, tháng 4/2021, chị Ph được 1 người chưa rõ nhân thân lai lịch giới thiệu mua một loại cây dược liệu rất tốt cho chăn nuôi nhằm chống dịch bệnh. Chị Ph đặt mua 500 hạt giống gửi qua đường bưu điện với số tiền 2 triệu đồng rồi mang về ươm được hơn 200 cây và trồng ở khu vực rẫy.

Với tinh thần quyết tâm cao, từ đầu năm 2021 đến 15/6, lực lượng Công an huyện Đắk Glong đã liên tiếp phát hiện, bắt quả tang 10 vụ trồng trái phép cây cần sa, thu giữ 2.665 cây cần sa. Trong đó, xã Đắk Ha có 8 vụ, Quảng Sơn và Quảng Khê mỗi xã 1 vụ. Lực lượng công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 1 vụ, 2 đối tượng; ra quyết định xử phạt hành chính 8 vụ, 8 đối tượng và 1 vụ đang tiếp tục xác minh, làm rõ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong, để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trồng trái phép cây cần sa, lãnh đạo Công an huyện Đắk Glong đã và đang chỉ đạo các đội nghiệp vụ mà chủ công là Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy và lực lượng công an xã, cán bộ địa bàn chủ động triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, tăng cường kiểm tra, nắm địa bàn, sớm phát hiện hành vi trồng cây cần sa và các loại cây có chứa chất ma túy khác.

Cùng với đó, các cấp, các ngành cần có biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm trồng cây cần sa. Đồng thời phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống tội phạm, phát hiện tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong đó, công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy và hành vi trồng trái phép cây cần sa và các loại cây có chứa chất ma túy khác thông qua các hòm thư tố giác tội phạm và trang zalo an ninh được tăng cường.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương cấp cơ sở trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy, bởi nhiều người dân không biết về cây cần sa và hậu quả, tác hại của nó. Thậm chí, nhiều người do thiếu hiểu biết mà bị lừa trồng cây cần sa hoặc đơn giản chỉ nghĩ đây là cây thuốc quý, trồng để ngâm rượu hoặc để cho gà, lợn ăn để phòng, chống dịch bệnh...

Trồng cần sa trái phép có thể bị phạt tù đến 7 năm

Cũng theo Trung tá Nguyễn Xuân Hùng, hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều 247, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Với số lượng 3.000 cây trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc Khoản 1, Điều 247, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/trat-tu/quyet-liet-dau-tranh-voi-toi-pham-trong-can-sa-trai-phep-87069.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/trat-tu/quyet-liet-dau-tranh-voi-toi-pham-trong-can-sa-trai-phep-87069.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Quyết liệt đấu tranh với tội phạm trồng cần sa trái phép
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO