Quyền lợi của người dân ở Ea Rốk bị “treo” đến bao giờ?

HOÀI BÃO| 14/10/2024 17:28

Thời gian gần đây, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Đắk Lắk tiếp tục nhận được đơn của ông Đinh Xuân Tửu 79 tuổi đời và 56 tuổi đảng, trú tại thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk tố cáo về những thiếu sót, sai phạm xảy ra trong quá trình đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất, cấp đất tái định cư, tái định canh… tại Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, huyện Ea Súp vào năm 2000, trong đó có thửa đất số 227b của gia đình ông. Tuy nhiên, các cấp, các ngành của huyện Ea Súp và tỉnh Đắk Lắk chậm giải quyết, giải quyết thiếu khách quan, bao che, chậm khắc phục thiếu sót, sai phạm khiến quyền lợi của ông bị “treo” từ đó đến nay.

Hiện nay, ông Đinh Xuân Tửu vẫn giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất 227b, nhưng Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã cấp đất tái định cư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ dân khác chồng lên thửa đất 227b.
Hiện nay, ông Đinh Xuân Tửu vẫn giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất 227b, nhưng Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã cấp đất tái định cư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ dân khác chồng lên thửa đất 227b.

Điều đáng nói là không chỉ gia đình ông Tửu mà nhiều hộ dân bị thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lên nhau cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Đã gần 25 năm nay, ông Tửu đã làm hàng chục đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cấp, các ngành trong tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận giải quyết cuối cùng, trong khi sức khỏe của ông ngày càng già yếu.

Mong muốn lớn nhất của ông Tửu hiện này là các cấp, các ngành cần giải quyết dứt điểm vụ việc để ông giảm bớt “lao tâm khổ từ” trong những năm tháng cuối đời.

Bài 1: Ngày tháng trông ngóng… chính quyền giải quyết

Liên quan đến những thiếu sót, sai phạm trong việc đền bù, thu hồi, giải phóng mặt bằng đất để thực hiện dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê vào năm 2000, trong đó có thửa đất số 227b của gia đình ông Tửu đã được Báo Nhân Dân phản ảnh trong 2 bài: “Cần giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân liên quan đến dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê” đăng trên Nhân Dân điện tử ngày 28/3/2023 và bài: “Làm rõ tắc trách trong việc thu hồi thửa đất 227b tại xã Ea Rốk” đăng ngày 12/10/2023.

Ông Đinh Xuân Tửu cho biết, sau khi Báo Nhân Dân vào cuộc tìm hiểu phản ảnh về những thiếu sót, sai phạm trong việc đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê được dư luận địa phương hết sức quan tâm. Hầu hết cán bộ và người dân địa phương đều đồng tình với nội dung 2 bài báo. Tuy nhiên, điều mà người dân địa phương bất bình là sự việc đã xảy ra gần 25 năm và báo chí đã phản ảnh nhưng các cấp chính quyền trong tỉnh vẫn chưa xử lý dứt điểm vụ việc khiến quyền lợi của người dân bị “treo” nên ai cũng bức xúc.

Mặc dù sinh sống ở vùng đất Ea Rốk này đã 45 năm và hiện nay đã 79 tuổi đời, 56 tuổi đảng nhưng vợ chồng ông Tửu vẫn sống lủi thủi trong căn nhà cấp bốn lập xập, chật chội. Khi có khách đến nhà, ông chỉ biết mời khách ngồi uống nước và trò chuyện ở bộ ghế đá đặt trước hiên nhà.

Ông Tửu cho biết, không riêng gì gia đình ông, mà còn nhiều gia đình khác cũng “lao tâm khổ tứ” kể từ khi huyện Ea Súp triển khai thực hiện dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê vào năm 2000 đến nay.

“Hằng ngày, tôi cũng như các hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lên thửa đất 227b chỉ biết nhìn lô đất và trông ngóng chính quyền giải quyết chứ giờ không ai làm gì được, mặc dù thửa đất nằm ngay trung tâm xã và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mình cầm trong tay”, ông Tửu than thở.

Quyền lợi của người dân ở Ea Rốk bị “treo” đến bao giờ? ảnh 1

Thửa đất 227b với diện tích 820m2 tại trung tâm xã Ea Rốk đã được Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 0373714, tờ bản số số 9 cho gia đình ông Tửu ngày 12/11/1998.

Dẫn chúng tôi ra thăm lô đất nằm ngay trung tâm xã Ea Rốk, ông Tửu cho biết, ông ở đây từ những ngày còn là Lâm trường Rừng Xanh và sau này là xã Ea Rốk nên ông biết quá trình phát triển của vùng đất này.

Đối với việc dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, ông cũng như người dân địa phương nắm rõ những thiếu sót, sai phạm của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp thời điểm đó và đã nhiều lần làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi các cấp, các ngành trong tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận giải quyết cuối cùng.

Ông Tửu quả quyết: “Với tư cách là cán bộ hưu trí, cựu chiến binh và 56 tuổi Đảng, những việc mà tôi làm đơn khiếu nại, tố cáo là vì việc chung và quyền lợi của người dân địa phương cũng như bản thân tôi, những người đi khai hoang mở đất. Thấy những thiếu sót, sai phạm của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp thời điểm đó cứ bị giấu kín, các cấp cứ đùn đẩy, bảo vệ cho nhau, còn quyền lợi của người dân bị xâm phạm, nên tôi phải làm đơn khiếu nại, tố cáo đến khi nào vụ việc được giải quyết dứt điểm mà thôi; không để những cán bộ làm sai phạm vẫn sống ung dung, trong khi người dân chúng tôi lại khốn khổ thế này”.

Ông Tửu cho biết, nội dung đơn ông tố cáo các sai phạm gồm: Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp không thực hiện đúng Quyết định số 1750/QĐ-UB, ngày 21/7/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phê duyệt dự án khả thi Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, huyện Ea Súp. Trong quyết định ghi rõ dự án gồm 15 hạng mục, từng hạng mục có ghi diện tích cụ thể, không có hạng mục nào thu hồi đất của dân để phân lô bán nền.

Thế nhưng, năm 2000, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp ra Quyết định số 05/QĐ-UBND, ngày 6/1/2000, thu hồi toàn bộ 25ha tổng diện tích quy hoạch Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, ngoài ra còn thu hồi thêm 7ha đất nằm chung quanh vành đai để chia thành 305 lô đất để bán.

Sai phạm thứ hai là 75 hộ dân bị thu hồi đất với giá đền bù thời điểm đó là 180 đồng/m2, nhưng người dân chỉ mới nhận được 150 đồng/m2, số tiền còn lại đến nay người dân vẫn chưa được nhận, mặc dù người dân đã nhiều lần làm đơn khiếu nại. Bên cạnh đó, nhiều gia đình bị thu hồi đất vẫn chưa được cấp đủ đất tái định cư cũng như tái định canh…

Riêng gia đình ông Tửu, thực hiện Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 6/1/2000 thu hồi toàn bộ 25ha tổng diện tích quy hoạch Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, gia đình ông Tửu bị thu hồi bốn thửa đất gồm: thửa 196, 182, 190 tờ bản đồ số 9 và thửa 121a tờ bản đồ số 10 này nằm ngoài vành đai quy hoạch xây dựng Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê. Trong 4 thửa đất này có thửa đất 190 và 182 đã xây dựng trường học, còn thửa đất số 196 và 121a, Ủy ban nhân dân huyện chia lô để bán là sai mục đích.

Đặc biệt, trong Quyết định số 05/QĐ-UBND, ngày 6/1/2000, thu hồi toàn bộ 25ha tổng diện tích quy hoạch Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê không có thửa đất 227b với diện tích 820m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Tửu, nhưng 10 năm sau, mặc dù dự án đã kết thúc từ năm 2001, nhưng Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp mới ban hành quyết định đính chính Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 6/1/2000 đưa thửa đất 227b vào thu hồi.

Không chỉ tắc trách trong việc thu hồi mà đến nay, thửa đất 227b vẫn chưa được đền bù, nhưng Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã cấp đất tái định cư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ dân khác chồng lên thửa đất 227b của gia đình ông Tửu. Các hộ dân này đã đóng một khoản tiền lớn để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng việc cấp đất này chỉ cấp trên giấy, còn đất ngoài thực địa ông Tửu vẫn quản lý. Việc làm này của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp khiến gia đình ông Tửu cũng như các hộ dân được cấp đất tái định cư đều hết sức bức xúc vì quyền lợi của họ bị “treo” từ đó đến nay.

Ông Võ Thanh Điệp ở thôn 7, xã Ea Rốk, 1 trong 4 hộ dân được cấp đất tái định cư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thửa đất 227b của ông Tửu cho biết: Ngày 19/7/2010, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã ban hành Quyết định số 958/QĐ-UBND về việc giao đất cho gia đình tôi với diện tích 188m2 đất tái định cư ngay trên thửa đất 227b, xã Ea Rốk để sử dụng vào mục đích làm nhà ở theo phương án đền bù giải phóng mặt bằng Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê. Đến năm 2018, gia đình tôi đã vay mượn để đóng gần 400 triệu đồng, trong đó hơn 192 triệu đồng tiền bị phạt do chậm đóng tiền sử dụng đất và ngày 10/7/2020, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CL094349, thửa đất số 296, tờ bản đồ số Quy hoạch Trung tâm xã Ea Rốk cho gia đình tôi. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình tôi chỉ cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn đất ngoài thực địa vẫn do gia đình ông Đinh Xuân Tửu quản lý.

Quá bức xúc trước việc làm tắc trách này của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp, gia đình tôi đã làm đơn khiếu nại gửi các ngành chức năng của tỉnh cần làm rõ việc Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không giao đất cho gia đình tôi, đồng thời chưa có đất mà đã phạt gia đình tôi chậm nộp tiền sử dụng đất gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa thấy cấp nào giải quyết. Là người dân, hằng ngày tôi chỉ biết ngóng chờ vào sự giải quyết của các cấp chính quyền mà thôi.

Tương tự, bà Lê Thị Lan, sinh năm 1958, trú tại thôn 7, xã Ea Rốk cũng được Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp giao một lô đất tái định cư với diện tích 250m2 sử dụng vào mục đích làm nhà ở theo phương án đền bù giải phóng mặt bằng Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, trong đó có 125m2 chồng lên thửa đất 227b của gia đình ông Tửu.

“Năm 2019, gia đình tôi đóng gần 500 triệu đồng gồm tiền chuyển mục đích sử dụng đất và tiền phạt vì chậm đóng để lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về. Từ đó đến nay, tôi chỉ sử dụng được 125m2, diện tích 125m2 còn lại chồng trên thửa đất 227b gia đình ông Tửu không cho tôi sử dụng, vì ông Tửu cho rằng thửa đất này chưa được thu hồi và chưa được đền bù. Ông Tửu nói vậy, tôi đành chịu mà không biết kêu ai, trong khi tiền tôi đã đóng đủ cho huyện”, bà Lan than thở.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/quyen-loi-cua-nguoi-dan-o-ea-rok-bi-treo-den-bao-gio-post836599.html
Copy Link
https://nhandan.vn/quyen-loi-cua-nguoi-dan-o-ea-rok-bi-treo-den-bao-gio-post836599.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Quyền lợi của người dân ở Ea Rốk bị “treo” đến bao giờ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO