Thông tư này quy định quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân (CAND).
Cán bộ Công an tiếp nhận khiếu nại, tố cáo. |
Áp dụng đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của cơ quan điều tra trong CAND; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức, pháp nhân thương mại và cá nhân có liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
Quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết khiếu nại được quy định cụ thể tại Chương II Thông tư, trong đó Điều 6 quy định cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận khiếu nại, phân công cán bộ nghiên cứu, phân loại, đề xuất xử lý đơn. Trường hợp xác định là đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT thì ghi chép vào sổ theo dõi kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự...
Quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết tố cáo được quy định cụ thể tại Chương III Thông tư. Trong đó, Điều 11 quy định rõ việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tố cáo trong tố tụng hình sự như sau: Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận đơn tố cáo, lập biên bản ghi nội dung tố cáo khi người tố cáo trực tiếp đến trình bày việc tố cáo (trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh); ghi chép vào sổ theo dõi kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại Thông tư số 119/2021/TT-BCA.
Khi tiếp nhận tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 11 và đủ điều kiện thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT thì người giải quyết tố cáo xử lý, như sau:
- Tố cáo Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra nào thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra đó chỉ đạo giải quyết;
- Tố cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an cấp huyện thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh chỉ đạo giải quyết;
- Tố cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ đạo giải quyết;
- Tố cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thì chuyển đến Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo giải quyết...
Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi tiếp nhận tố cáo, người giải quyết tố cáo phải tiến hành kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ của người tố cáo và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về tố cáo và quyết định việc thụ lý, giải quyết tố cáo...