Quy hoạch xử lý nước thải, xây dựng đô thị thân thiện môi trường

Tường Mạnh| 27/05/2015 10:26

Qua phân tích, đánh giá, tổng hợp hiện trạng phát triển cũng như so sánh với tiêu chuẩn đô thị loại III, hiện nay, vấn đề xử lý nước thải các loại ở thị xã Gia Nghĩa mới chỉ đạt mức tối thiểu. Vì vậy, đây là một trong những vấn đề mà trong giai đoạn ngắn hạn, thị xã quyết tâm tập trung đầu tư xây dựng nhằm từng bước khắc phục và hoàn thiện cơ bản về hạ tầng đô thị.

Theo đó, về thoát nước mưa, trên địa bàn thị xã, tại các khu đô thị mới, hệ thống thoát nước mưa đã được xây dựng riêng, với hệ thống mương hở và cống có nắp đậy. Toàn bộ tuyến đường chính khu vực nội thị thị xã đã xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường, với 33 tuyến chính/70 tuyến. Nước mưa chảy vào hệ thống thoát nước mưa và thoát ra sông, suối trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, thị xã chưa có hệ thống thoát nước thải riêng. Nước thải sinh hoạt, nước thải các công trình công cộng, cơ quan được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại sau đó thu gom cùng với nước mưa thoát theo hệ thống cống chung. Hiện chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh nằm trên địa bàn thị xã là có hệ thống xử lý nước thải riêng. Hiện tại, thị xã đã xây dựng 1 dự án trạm xử lý nước thải tại cuối đường Lê Duẩn, công suất 600 m3/ngày đêm, phục vụ cho khu phố cũ, nhưng chưa đi vào hoạt động.

Trước thực tế trên, theo quy hoạch của thị xã, đối với nước thải sinh hoạt, thì hệ thống thu nước thải sẽ được thiết kế riêng biệt, thu gom bằng mạng lưới hệ thống cống tự chảy, các trạm bơm và các đường ống có áp, tập trung nước bẩn về trạm xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước thải sau khi tính toán bao gồm: 87.830 m cống thoát nước (giai đoạn 2020) và 157.590 m cống thoát nước (giai đoạn 2030). Còn trạm bơm nước thải có công suất: 2.300 m3 - 3.260 m3/ngày đêm (giai đoạn 2030). Hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt riêng được xây dựng theo sơ đồ: bể tự hoại - cống thu nước thải - công trình làm sạch nước thải.

Đối với nước thải công nghiệp, thì các khu công nghiệp trên địa bàn đô thị Gia Nghĩa yêu cầu phải xây dựng trạm xử lý nước thải cho từng khu vực trước khi đưa vào mạng lưới thoát nước chung toàn khu vực. Nước thải khu công nghiệp yêu cầu xử lý đến tiêu chuẩn loại A (thải vào nguồn nước phục vụ sinh hoạt). Đối với nước thải của bệnh viện, phòng khám đa khoa trên địa bàn thị xã sẽ được xử lý tại chỗ đảm bảo tiêu chuẩn xả thải loại A trước khi xả ra hệ thống cống chung.

Theo nhu cầu, thị xã đang tính toán xây dựng đến 10 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với tổng công suất xử lý từ 8.300 m3- 15.400 m3/ngày đêm. Còn dựa vào diện tích, chỉ tiêu thải nước khu công nghiệp, đặc thù loại hình công nghiệp, thị xã sẽ tính toán xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp có công suất từ 14.700m3 -17.800 m3/ngày đêm tại các khu công nghiệp trên địa bàn đô thị Gia Nghĩa.

Đối với việc xử lý nước thải bệnh viện thì dựa vào số giường bệnh, chỉ tiêu thải nước cho một giường bệnh, thị xã cũng sẽ tính toán xây dựng các trạm xử lý nước thải có công suất từ 240m3-400 m3/ngày đêm.

Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với bất cứ đô thị nào trong quá trình phát triển vì chúng có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và nguy hiểm đến đời sống con người. Vì vậy, việc thị xã quan tâm, chú trọng quy hoạch xử lý nước thải là điều dễ hiểu, nhằm bảo đảm xây dựng thị xã Gia Nghĩa trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có môi trường sống thân thiện. Trong đó, thị xã cũng tính đến việc nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải pháp công nghệ nhằm xử lý an toàn, hiệu quả nước thải, bảo đảm các tiêu chuẩn cho phép khi thải ra môi trường.     

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch xử lý nước thải, xây dựng đô thị thân thiện môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO