Thương mại - Dịch vụ

Quy hoạch xây dựng các vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững tạo đà cho ngành Dược phát triển

H.M 31/10/2024 15:25

Nước ta là quốc gia có tới hơn 4.000 loài dược liệu khác nhau nhưng hiện có tới 80% dược liệu được nhập từ nước ngoài. Để khắc phục và tạo đà cho ngành dược phát triển, trong các quy hoạch về phát triển ngành Dược nhấn mạnh việc xây dựng các vùng khai thác dược liệu tự nhiên.

Tài nguyên lớn nhưng hơn 80% dược liệu lại nhập khẩu

Việt Nam hiện có 4.000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, quế, atisô, sâm Ngọc Linh... Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, nước ta đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh.Trên cả nước đã có một số trung tâm được gây dựng để thu thập và bảo tồn các loại dược liệu của Việt Nam như Vườn cây thuốc Yên Tử, hay Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội... Với khoảng 5.117 loài cây dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cho con người, như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm… Ngoài ra, cây dược liệu còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc cho thủy, hải sản.Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.Thực tế hiện nay doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng dược liệu đang gặp nhiều khó khăn và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp trồng dược liệu sạch hiện nay phải cạnh tranh ngay trên sân nhà khi giá bán của dược liệu sạch do doanh nghiệp trong nước trồng ra thành phẩm không cạnh tranh nổi với dược liệu nhập khẩu.

Là một quốc gia có đến hơn 4.000 loài dược liệu khác nhau nhưng hiện có tới 80% dược liệu được nhập từ nước ngoài do nhiều nguyên nhân như sản xuất còn manh mún, địa bàn giao thông khó khăn…

Quy hoạch xây dựng các vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững tạo đà cho ngành Dược phát triển- Ảnh 2.
Nước ta có nguồn tài nguyên dược liệu lớn. Ảnh TL

Theo TS. Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu, lại phụ thuộc vào một số ít thị trường, nên nguồn cung thuốc thành phẩm cũng bị hạn chế, gây áp lực đến tăng chi phí sản xuất, từ đó dẫn tới tăng giá thuốc thị trường. Do phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu, nên sản phẩm làm ra từ dược liệu theo thống kê chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường và các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá trị rất khiêm tốn.Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nhập khẩu dược liệu quá nhiều, cộng với thiếu sự quản lý chặt chẽ cũng dẫn tới những dược liệu nhập về có thể là những dược liệu rác, kém chất lượng… Những điều này dẫn tới an toàn về sức khỏe và tính mạng, tiền của và sự an tâm của người dân khi tham gia khám chữa bệnh.

Xây dựng các vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững

Dược liệu làm thuốc của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là bởi chưa có một quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp. Chương trình quy hoạch phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 8 vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững là một trong những giải pháp thay đổi thực trạng này.

8 vùng dược liệu trọng điểm được quy hoạch để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài, sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu mỗi năm. Theo quy hoạch, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Việc quy hoạch 8 vùng trồng dược liệu này cũng trùng khớp với cách phân chia địa lý của Việt Nam theo yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và sinh thái.

Quy hoạch xây dựng các vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững tạo đà cho ngành Dược phát triển- Ảnh 3.

Ngoài xây dựng các vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững để chủ động nguồn dược liệu, trong thời gian tới, để ngành dược Việt Nam phát triển lớn mạnh, các chuyên gia đã cho rằng, các tập đoàn dược cần mở rộng vùng trồng nguyên liệu sạch, chuẩn hóa và đầu tư các máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao liên quan đến khâu chế xuất, sản xuất dược liệu để mang những sản phẩm thực sự an toàn, chất lượng và hiệu quả tới tay người tiêu dùng.Đồng thời, chú trọng đầu tư nâng cấp nhà máy hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, như: EU-GMP, PIC/S. JAPAN-GMP… Các chuỗi dược phẩm bán lẻ cũng cần tích cực hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các hoạt động.

Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/quy-hoach-xay-dung-cac-vung-khai-thac-duoc-lieu-tu-nhien-ben-vung-tao-da-cho-nganh-duoc-phat-trien-169240815110432145.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/quy-hoach-xay-dung-cac-vung-khai-thac-duoc-lieu-tu-nhien-ben-vung-tao-da-cho-nganh-duoc-phat-trien-169240815110432145.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy hoạch xây dựng các vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững tạo đà cho ngành Dược phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO