Nông nghiệp - Nông thôn

Quy hoạch và hình thành các vùng cây trồng thế mạnh ở vùng biên Tuy Đức

Hưng Nguyên 15/06/2023 06:10

Dựa vào những mô hình thử nghiệm, huyện Tuy Đức đã quy hoạch và tập trung phát triển các loại cây trồng phù hợp với từng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, huyện đang dần hình thành các vùng cây trồng quy mô lớn, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

ADQuảng cáo
20230606_151710(1).jpg
Vùng mắc ca Quảng Trực đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao nhờ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng

Theo thống kê của UBND xã Quảng Trực, trên địa bàn có khoảng 600 ha mắc ca. Hầu hết người dân ở Quảng Trực đều trồng mắc ca. 1 ha mắc ca cho thu nhập mỗi năm khoảng 90 - 120 triệu đồng.

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Trực cho biết, nguồn thu nhập từ mắc ca đang thay đổi đời sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt ở các bon làng M’nông.

Mắc ca đang là cây trồng phù hợp với tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân nơi đây. Mắc ca giúp người dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu.

fb_img_1680218304920(1).jpg
Vùng khoai lang tập trung ở một số xã có lợi thế của Tuy Đức

Theo ông Kiều Quí Diện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức, dựa vào tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, Tuy Đức đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Cụ thể, vùng sản xuất điều 9.780 ha tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân; vùng sản xuất cà phê 12.300 ha tại xã Quảng Tân, Đắk R'tíh, Đắk Búk So; vùng sản xuất hồ tiêu 1.800 ha tại xã Quảng Tân, Quảng Tâm và Đắk Búk So; vùng sản xuất mắc ca 1.420 ha tại xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Búk So; vùng sản xuất rau xanh 250 ha trên địa bàn xã Đắk Búk So, Quảng Tâm...

ADQuảng cáo

Ông Diện cho biết, trước khi định hướng cây trồng, vùng trồng, huyện đã có những đánh giá về khí hậu, tiểu vùng phù hợp thông qua các mô hình thử nghiệm, các cây trồng hiệu quả.

Ngành Nông nghiệp huyện đã theo dõi nhiều năm và dựa vào khả năng phát triển, năng suất, sâu bệnh... trên từng loại cây trồng để đánh giá, đưa ra quyết định. 

Tuy Đức có gần 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, huyện tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sắp xếp lại sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa bàn

Ngoài hình thành vùng nguyên liệu, huyện đang hỗ trợ người dân, HTX sản xuất theo các quy trình nông nghiệp sạch, an toàn để kết nối tiêu thụ. Huyện đã có gần 1.500 ha cây trồng ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận (VietGAP, hữu cơ, 4C...).

Hình thành vùng nguyên liệu là cơ sở để huyện huy động, kêu gọi đầu tư, thu hút các nguồn lực hỗ trợ các cơ sở chế biến, hạn chế bán thô, tăng giá trị nông sản. Đến nay, huyện có 36 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, tạo ra 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao.

20230309_112132(1).jpg
Vùng sản xuất tập trung sẽ thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung đang tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm với các bạn hàng lớn.

"Mục tiêu cuối cùng của việc tạo vùng cây trồng thế mạnh là nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Qua cách làm này, giúp người dân, ngành nông nghiệp ổn định cây trồng, tránh tình trạng chạy theo giá thị trường. Cùng với đó, giúp nông dân dần ổn định sản xuất khi tìm được cây trồng phù hợp, thu nhập cao", ông Phú nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch và hình thành các vùng cây trồng thế mạnh ở vùng biên Tuy Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO