Quy hoạch tỉnh Ðắk Nông - Ðộng lực để bứt phá

Nguyễn Lương| 17/11/2022 08:19

Những năm qua, vấn đề quy hoạch tại tỉnh Đắk Nông còn những hạn chế, bất cập, gây nhiều khó khăn trong phát triển. Việc lập quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được xem là cơ sở để đánh giá hiện trạng của tỉnh. Đây là tiền đề để công tác quy hoạch của tỉnh được thực hiện chặt chẽ, chất lượng hơn, tạo động lực để Đắk Nông bứt phá trong thời gian tới.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Chồng chéo quy hoạch

Những năm qua, Đắk Nông có nhiều đồ án quy hoạch khác nhau, nhưng lại chồng chéo, không bám sát thực tế tại địa phương. Tình trạng này đã tạo nên nhiều rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quy hoạch “đè” quy hoạch

Năm 2018, UBND thị xã Gia Nghĩa (nay là TP. Gia Nghĩa) đã rà soát, điều chỉnh, ban hành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ở một số khu vực. Điều này tạo thuận lợi cho nhiều người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, tháng 4/2021, Sở Xây dựng công bố về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái hồ Đắk R’tíh. Phân khu với tổng diện tích 1.715,4 ha kèm theo Quyết định 387/QĐ-UBND ngày 23/3/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông.

Với quy hoạch này, toàn phường Nghĩa Phú có hơn 1.000 ha nằm trong Quy hoạch Khu đô thị sinh thái hồ Đắk R’tíh. Từ đây, nhiều vấn đề bất cập trong quy hoạch nảy sinh.

Cụ thể, nếu lấy quy hoạch 1/2000 mới ban hành đối chiếu với đồ án quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch sử dụng đất 1/500 đã được phê duyệt trước đó thì có sự chồng chéo. Quy hoạch sau “đè” lên quy hoạch trước.

Quy hoạch trên địa bàn TP. Gia Nghĩa hiện còn nhiều bất cập

Tương tự, đối với Quy hoạch chi tiết chỉnh trang Khu dân cư tổ dân phố 3, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), với diện tích 18,77 ha; Quy hoạch chi tiết khu dân cư số 15, 16, 17, 18, thuộc khu trung tâm hành chính tỉnh (diện tích 26,4 ha) cũng nằm trong tình cảnh chồng chéo.

Điểm chung đối với những quy hoạch này là một số khu vực phần diện tích theo đồ án quy hoạch chung là đất ở. Tuy nhiên, trong quy hoạch chi tiết lại điều chỉnh thành quy hoạch đất cây xanh, đất công cộng, đất cơ sở hạ tầng…

Theo Kết luận 87/KL-TTr, ngày 14/5/2020 của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, từ khi thành lập đến nay, trên địa bàn TP. Gia Nghĩa có 55 đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) và phân khu đô thị được phê duyệt.

Tổng diện tích quy hoạch chi tiết đã triển khai đến hết 2019 là 4.336 ha/6.407 ha đất nội thị. Trong số này, UBND TP. Gia Nghĩa làm chủ đầu tư thực hiện lập 30 đồ án quy hoạch; Sở Xây dựng thực hiện 7 đồ án; còn lại 18 đồ án chi tiết thuộc 8 đơn vị khác làm chủ đầu tư.

Đến thời điểm này, Gia Nghĩa vẫn còn 31 đồ án chưa thực hiện. Trong đó, có 22 đồ án quy hoạch trong giai đoạn 2005-2015; 9 đồ án lập giai đoạn 2016-2019; 24 đồ án còn lại đang triển khai và triển khai một phần.

Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, thực trạng chung hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên quy hoạch chung đạt tỷ lệ thấp.

Tình trạng công trình xây dựng không có trong quy hoạch xây dựng, bố trí sai quy hoạch, đấu nối và bố trí hạ tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch… diễn ra rất nhiều.

Nhiều công trình nhà ở được người dân xây dựng trên diện tích quy hoạch thuộc phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)

“Quy hoạch còn nhiều vấn đề tồn tại, tạo "kẽ hở" cho đầu cơ, trục lợi từ đất đai như: mua đất nông nghiệp với diện tích lớn, chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, phân lô, bán nền… Từ đây, nhiều khu dân cư tự phát hình thành”, ông Tuấn cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN - PTNT) cho rằng, quy hoạch Đắk Nông đang chồng chéo, bất hợp lý.

Ví dụ như về quy hoạch sử dụng đất, Đắk Nông định hướng khu vực này dành để sản xuất rừng, nhưng ngành công nghiệp lại xác định đó là vùng để khai thác nguyên liệu bô xít. Đến khi 2 lĩnh vực đưa ra thực thi lại chồng chéo nhau.

ADQuảng cáo

Đối với quy hoạch 3 loại rừng đó là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất cũng vậy. Trong quy hoạch là thế, tuy nhiên, trong thực tế, người dân đang sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất.

“Làm sao để dung hòa và chuyển được đất của người dân sản xuất sang đất lâm nghiệp hoặc công nghiệp đó là vấn đề cần phải giải quyết”, Tiến sĩ Uyên cho biết.

Việc xây dựng nhà trong diện tích quy hoạch gây khó khăn rất lớn cho chính quyền cơ sở khi đi giải toả, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án

Hệ lụy từ quy hoạch

Việc quy hoạch chồng chéo thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho người dân, lẫn chính quyền trong khu vực thuộc quy hoạch. Trong đó, việc triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khu chức năng, các dự án phát triển đô thị thường "vướng" quy hoạch.

Trường hợp của ông D.V.N, tổ dân phố 6, phường Nghĩa Phú (TP. Gia Nghĩa) là một ví dụ. Thực hiện theo đồ án quy hoạch ở địa phương, cuối năm 2020, ông D.V.N đã chuyển đổi 100 mét vuông đất nông nghiệp sang đất ở đô thị, với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

Đến tháng 3/2021, ông N thực hiện các thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, sau đó, ông N chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn 3 năm.

Nguyên nhân, khu vực đất của ông đang nằm trong quy hoạch dự án. Như vậy, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở chưa được bao lâu, ông N đã bị hạn chế về quyền xây dựng. Ông cảm thấy rất bất an khi làm nhà ở.

“Muốn xây nhà (có thời hạn-P.V), chúng tôi phải làm bản cam kết với cơ quan chức năng. Trong thời gian 3 năm, nếu Nhà nước thực hiện dự án thì người dân được đền bù theo quy định. Sau 3 năm đó, người dân phải tự tháo gỡ công trình”, ông N cho biết.

Không riêng gì trường hợp ông N, trên địa bàn TP. Gia Nghĩa hiện có rất nhiều hộ dân “tiến thoái lưỡng nan” khi đất ở, đất sản xuất nằm trong vùng quy hoạch dự án.

Trong trường hợp vì áp lực đời sống, các hộ làm liều xây dựng nhà ở, tạo tài sản khác trên đất thì sau này sẽ không được đền bù. Còn chấp nhận chờ đợi, họ phải ở trong những căn nhà tạm bợ, không biết bao giờ dự án được Nhà nước triển khai để bố trí tái định cư.

Theo ông Trần Thanh Luyện, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), trên địa bàn phường có nhiều dự án quy hoạch, nhưng chưa triển khai. Điều này gây ảnh hưởng đến người dân rất lớn.

Vì sợ quy hoạch, nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư những dự án sản xuất nông nghiệp lớn. Từ đây, dẫn đến diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường bị bỏ hoang rất lớn, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Chưa kể, ở một số quy hoạch khu dân cư đô thị trên địa bàn còn không trúng với thực tế. Hiện nay, toàn phường có rất nhiều tuyến đường không đúng quy hoạch, nên chưa được đầu tư. Bà con kiến nghị nhiều, nhưng chính quyền cũng không dám hứa. Nhiều lần như vậy dẫn đến sự mất lòng tin của người dân với chính quyền cơ sở.

Cũng theo ông Luyện, không những gây ảnh hưởng tới người dân, mà quy hoạch tồn tại hạn chế còn tạo nhiều thách thức cho chính quyền trong quản lý đất đai, xây dựng.

“Muốn chuyển đổi mục đích nhưng đất thuộc dự án quy hoạch, nên người dân không thực hiện được. Tình trạng xây dựng công trình chui, vượt quá diện tích đất được cấp phép… xảy ra nhiều, gây khó cho địa phương trong quá trình xử lý, giải quyết”.

Giám đốc Sở Xây dựng Phan Anh Tuấn cho biết, quy hoạch chậm triển khai, thiếu tính đồng bộ, cùng với nhiều nguyên nhân khác đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống, sản xuất của nhiều người dân cũng ảnh hưởng nhiều.

Người dân bị ảnh hưởng về kinh tế do ngưng canh tác hoặc canh tác cầm chừng khi có chủ trương thực hiện dự án. Một số quyền trên thửa đất thuộc quyền sử dụng của người dân bị hạn chế. Nguồn lực cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn hạn chế.

"Một số dự án đã có quyết định thu hồi đất, nhưng thiếu kinh phí thực hiện. Điều này dẫn đến thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, an cư của người dân”, ông Tuấn phân tích.

>> Kỳ 2: Những “nút thắt”

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch tỉnh Ðắk Nông - Ðộng lực để bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO