Quy hoạch đô thị - Đắk Nông cần đi trước một bước
Vấn đề lập quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, nhằm tạo đột phá trong phát triển được tỉnh Đắk Nông quan tâm. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn còn những bất cập, tạo rào cản, kìm hãm sự phát triển. Theo nhiều chuyên gia, Đắk Nông cần đi tắt, đón đầu trong quy hoạch đô thị.
Quy hoạch đô thị từ rất sớm
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg, ngày 10/7/2006.
Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm thành lập, Đắk Nông đã lập được quy hoạch. Nếu so với những địa phương khác cùng thời kỳ, Đắk Nông được xem là một tỉnh có quy hoạch tổng thể khá sớm.
Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2020, đưa Đắk Nông thoát khỏi một tỉnh nghèo, chưa phát triển. Dựa trên các quy hoạch cấp tỉnh được phê duyệt, Đắk Nông đã chỉ đạo lập, phê duyệt các quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch ngành…
Đắk Nông đã tập trung nhiều giải pháp, thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị. Nhờ đó, mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại của tỉnh được tăng cường. Các công trình, trụ sở làm việc các cơ quan chính trị, hành chính… được đầu tư hoàn chỉnh. Hệ thống lưới điện được cải tạo…
Từ một tỉnh chưa có đô thị loại IV, đến nay, Đắk Nông có 9 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV, 5 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 14,9% năm 2010 lên 28% năm 2021.
Hạ tầng thiết yếu các đô thị tăng cường. Bộ mặt đô thị được chỉnh trang. Từ đây, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình phát triển kinh tế.
Rào cản và bất cập
Mặc dù Đắk Nông đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trong thực tế, quy hoạch đô thị phát triển còn chậm. Nhiều đồ án quy hoạch hiện vẫn chồng chéo nhau. Một số đồ án chưa được triển khai. Nhiều chỉ tiêu đề ra không đạt yêu cầu phát triển.
Quy hoạch đô thị tại TP. Gia Nghĩa là một ví dụ. TP. Gia Nghĩa có quy hoạch chung lần đầu theo Quyết định số 2839/QĐ-UBND, ngày 28/8/2003. Đối với quy hoạch đô thị Gia Nghĩa được điều chỉnh tại quyết định số 184/QĐ-UBND tỉnh, ngày 30/1/2008. Đến ngày 14/8/2013, UBND tỉnh lại có quyết định 1292/QĐ-UBND phê duyệt chung quy hoạch đô thị Gia Nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Như vậy, từ khi thành lập đến nay, TP. Gia Nghĩa có tổng 55 đồ án quy hoạch chi tiết và phân khu được phê duyệt. Trong số này hiện có 31 đồ án chưa thực hiện, 24 đồ án còn lại đang triển khai và triển khai chậm.
Theo ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa, trong lập đồ án quy hoạch còn thiếu sự đồng bộ, phối hợp giữa UBND thành phố với các đơn vị. Các đơn vị tham gia lập quy hoạch còn thiếu kinh nghiệm. Một số đồ án chưa đề cập, phân tích, đánh giá triệt để các điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế, xã hội, hiện trạng xây dựng, hạ tầng…
Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bất cập trong quy hoạch đô thị. Tình trạng công trình không có trong quy hoạch xây dựng, bố trí sai quy hoạch vẫn còn nhiều. Việc cấp phép xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép diễn ra.
“Tình trạng đào đắp san nền, đổ rác xây dựng, lấn chiếm đất trái phép còn nhiều. Từ đây, môi trường, kiến trúc cảnh quan, trật tự đô thị … bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Sương cho biết.
Không riêng gì TP. Gia Nghĩa, mà hiện nay, quy hoạch đô thị nói chung tại Đắk Nông còn thiếu sự đồng bộ, chồng chéo. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN- PTNT) cho rằng, quy hoạch giai đoạn 2011-2020 có tính khả thi thấp, chưa phù hợp với vận hành của kinh tế thị trường. Thậm chí nhiều nơi còn chồng chéo.
“Điều kiện, thổ nhưỡng, địa hình có nét đặc thù. Tuy nhiên, Đắk Nông lại chưa biến đặc thù đó thành lợi thế. Cả thành phố chưa có một khu dân cư nào mà các công trình được xây theo chuẩn kiểu mẫu mang dáng dấp của đô thị”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong, Trưởng phòng Quy hoạch II, Viện Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, công tác cải tạo, chỉnh trang, thiết kế đô thị vẫn còn bỏ ngỏ, chưa thực sự có mối liên kết với nhau.
“Trong phát triển đô thị, yếu tố quan trọng là kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới. Về điều này, Đắk Nông hiện vẫn còn thiếu”, ông Phong khẳng định.
Cần đi trước một bước
Để phát triển kinh tế, xã hội, việc lập quay hoạch được xem là bước tiền đề. Trong đó, đối với phát triển đô thị, công tác xây dựng quy hoạch phải đi trước một bước.
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, đối với Đắk Nông, nhiều chính sách trong phát triển quy hoạch đều đúng. Tuy nhiên, một số chính sách còn hơi dàn đều, mà chưa tập trung vào những chính sách thực sự đặc thù, cần ưu tiên làm trước.
“Với Đắk Nông, địa hình chia cắt, tôi nghĩ rằng có thể ưu tiên đẩy nhanh phát triển kinh tế số hàng đầu. Đây là vấn đề giải quyết bất cập vốn có của tỉnh. Kế đến là tập trung phát triển ngành công nghiệp. Vì đây là ngành liên quan phát triển đô thị, là mũi nhọn quan trọng để kéo theo thu hút lao động và dân cư”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.
Trao đổi về quy hoạch đô thị tại Đắk Nông, Kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong, Trưởng Phòng Quy hoạch II, Viện Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, địa phương cần hạn chế tình trạng quy hoạch treo. Đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị cần xử lý nghiêm minh.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đắk Nông cần phát huy, khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước, tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
“Địa phương phải kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để giải phóng các nguồn lực, nhất là đất đai cho phát triển đô thị và kinh tế khu vực đô thị”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông sẽ phát triển 11 đô thị, trong đó, có 4 đô thị cấp tỉnh và 4 đô thị cấp huyện. 4 đô thị cấp tỉnh gồm: đô thị Gia Nghĩa là đô thị loại II, đô thị Đắk Mil là đô thị loại III, đô thị Đắk R’lấp (nâng cấp lên thị xã Đắk R’lấp) và đô thị Ea T’Ling (nâng cấp lên thị xã Cư Jút). 4 đô thị cấp huyện, gồm: đô thị Đắk Mâm (Krông Nô), đô thị Đức An (Đắk Song), đô thị Quảng Khê (Đắk Glong), đô thị Đắk Búk So (Tuy Đức).