Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.
Lực lượng chức năng thu giữ một số vũ khí, vật liệu nổ vi phạm (ảnh minh họa). |
Vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy
Về quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định nêu rõ: Vật liệu nổ công nghiệp được bảo quản trên phương tiện vận chuyển, vị trí trung chuyển và tại khu vực nổ mìn phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Kho vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Chỉ các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được sử dụng, quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình, quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật liên quan.
Nghị định cũng yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp sử dụng kho vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện:
a) Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp;
b) Bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ trong ngày, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho vật liệu nổ công nghiệp;
c) Có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
d) Xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp trong kho, phân loại vật liệu nổ công nghiệp không bảo đảm chất lượng theo quy định;
đ) Nhận diện nguy cơ mất an toàn và đánh giá rủi ro liên quan đến kho vật liệu nổ công nghiệp;
e) Xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định;
g) Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Kiểm soát điều kiện an toàn với người, phương tiện ra, vào khu vực kho tiền chất thuốc nổ
Về quản lý, bảo quản tiền chất thuốc nổ, Nghị định quy định: Tiền chất thuốc nổ phải được bảo quản tại vị trí, địa điểm đáp ứng yêu cầu về an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Kho tiền chất thuốc nổ phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Nghị định yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp sử dụng kho tiền chất thuốc nổ phải:
a) Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với kho tiền chất thuốc nổ;
b) Bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ trong ngày, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho tiền chất thuốc nổ;
c) Có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
d) Xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập trong kho, phân loại tiền chất thuốc nổ không bảo đảm chất lượng theo quy định;
đ) Không được bảo quản chung tiền chất thuốc nổ với các loại hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có biện pháp chữa cháy khác nhau;
e) Nhận diện nguy cơ mất an toàn và đánh giá rủi ro liên quan đến kho tiền chất thuốc nổ;
g) Xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, phương án chữa cháy; phương án bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật;
h) Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.