Chính sách

Quy định giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn

PV 16/12/2024 09:33

Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/11/2024, trong đó quy định giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn.

Giám sát của Công đoàn

Giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động chủ trì giám sát.

Hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Công đoàn thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn mang tính xã hội, bao gồm việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn.

Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn đối với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung giám sát được thực hiện theo quy định của Luật này, luật khác có liên quan và bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

+ Khách quan, công khai, minh bạch;

+ Xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động;

+ Không trùng lặp về nội dung, thời gian với hoạt động kiểm tra, thanh tra và hoạt động giám sát khác; không làm cản trở hoạt động bình thường của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát.

Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn thực hiện theo các hình thức sau đây:

+ Nghiên cứu, xem xét văn bản, báo cáo của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát;

+ Thông qua đối thoại với người sử dụng lao động, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở;

+ Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước;

+ Tổ chức đoàn giám sát.

Khi thực hiện hoạt động chủ trì giám sát, Công đoàn có quyền, trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát bao gồm nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian và các nội dung cần thiết khác để bảo đảm thực hiện giám sát;

b) Thông báo trước về chương trình, kế hoạch giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát;

c) Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát trao đổi, làm rõ những vấn đề cần thiết qua giám sát;

d) Kiến nghị người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát hoặc người có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước;

đ) Kiến nghị xem xét trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua giám sát;

e) Thông báo kết quả giám sát đến người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

g) Chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; xem xét, giải quyết khi có kiến nghị về kết quả giám sát.

Người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát có quyền, trách nhiệm sau đây:

+ Được thông báo trước về nội dung, kế hoạch giám sát;

+ Bố trí thời gian, địa điểm, thành phần làm việc theo yêu cầu của đoàn giám sát;

+ Được trao đổi, làm rõ về các nội dung giám sát thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;

+ Được kiến nghị xem xét lại kết quả giám sát, kiến nghị sau giám sát khi cần thiết;

+ Thực hiện theo yêu cầu, kiến nghị quy định tại các điểm b, c, d và đ nêu trên.

+ Thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Phản biện xã hội của Công đoàn

Công đoàn có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.

Ý kiến phản biện xã hội của Công đoàn được nghiên cứu tiếp thu, giải trình theo quy định của pháp luật.

Công đoàn có trách nhiệm đề xuất nội dung và thực hiện phản biện xã hội theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 có hiệu lực từ 1/7/2025.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quy-dinh-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-cong-doan-119241216085637708.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quy-dinh-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-cong-doan-119241216085637708.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Quy định giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO