Quy định chống phá rừng và những thách thức của Đắk Nông
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông dần nhận diện được các thách thức trong thực hiện Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).
EUDR được Liên minh châu Âu gia hạn có hiệu lực từ tháng 1/2026. Trong đó, đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng quy định này từ tháng 6/2026.
EUDR nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng và phát thải khí nhà kính gây ra bởi hoạt động nông nghiệp. Điều này đòi hỏi sự minh bạch trong chuỗi giá trị, đặc biệt liên quan đến dữ liệu địa lý cũng như thông tin tuân thủ pháp luật cho khu vực sản xuất.
Theo ông Bùi Đức Hào, điều phối viên Chương trình Cảnh quan và cà phê tại khu vực Tây Nguyên (Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững - IDH), những yêu cầu này là thách thức đối với nhiều nhà sản xuất và khu vực sản xuất.
EUDR cũng tác động lớn trong chuỗi giá trị nông sản. Vì dữ liệu nguồn gốc các loại sản phẩm cần thiết phải cập nhật tới cấp độ từng nông hộ.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT Đắk Nông, sau hơn 18 tháng triển khai kế hoạch hành động thực hiện EUDR, Đắk Nông đã nhận diện được một số vấn đề thách thức.
Trước hết, đó là cơ sở pháp lý về đất đai. Đắk Nông cũng như vùng Tây Nguyên phần lớn có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp. Đây là vấn đề rất lớn và là thách thức mà tỉnh đang tính toán để xử lý, giải quyết.
Một thách thức khác là trong quá trình sản xuất, nông dân chưa quan tâm đến cơ sở pháp lý chống phá rừng. Rõ ràng, đây là một vấn đề hết sức khó khăn cho địa phương trong quá trình xác minh, định vị tọa độ diện tích vùng trồng.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, một thách thức khác trong thực hiện EUDR cho nông nghiệp Đắk Nông là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết nhau.
Chỉ tính riêng ngành hàng cà phê, Đắk Nông đang có 120.000 hộ tham gia sản xuất. Mỗi hộ sản xuất cà phê có từ 1 – 2 mảnh đất. Trung bình mỗi mảnh đất có diện tích từ 1 – 1,5ha. Các diện tích này nằm rời rạc nhau.
Do đó, việc định vị tọa độ cũng tốn rất nhiều công sức và chi phí. Vấn đề này cũng gây ra nhiều khó khăn cho các bên tham gia vào tiến trình định vị tọa độ các vùng sản xuất.
Một thách thức khác là chuỗi cung ứng nông nghiệp, đặc biệt là chuỗi ngành hàng cà phê, với phương thức sản xuất, mua bán lâu đời theo kiểu ra đầu ngõ là có người thu mua, sau đó gom mang về bán lại cho tiểu thương. Hình thức này trải qua nhiều tầng nấc trung gian.
Càng qua nhiều tầng nấc trung gian thì tính minh bạch của chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng càng bị thu hẹp. Đây cũng là thách thức của Đắk Nông trong thực hiện chuỗi cung ứng hàng hoá...
Theo ông Trương Tất Đơ, Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp Việt Nam, việc tuân thủ EUDR đối với nông hộ sản xuất đang gặp nhiều thách thức.
Ông Trương Tấn Đơ cho biết: “Đơn cử, nhiều hộ sản xuất lâu năm nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hay với quy mô sản xuất lẻ, hiện tổng số mảnh vườn ở Tây Nguyên có hơn 500.000 mảnh. Đây là một trong những thách thức trong khai báo, đăng ký mã số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này”.
Cũng nói về thực hiện EUDR, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông phân tích thêm, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng quy định của Liên minh châu Âu cũng là cơ hội để tỉnh cơ cấu lại tổ chức sản xuất nông nghiệp và tất cả các ngành hàng, các loại cây trồng.
Đắk Nông phải có trách nhiệm hơn trong vấn đề chia sẻ lợi ích, chia sẻ trách nhiệm cộng đồng. "Tôi mong rằng đừng để bà con nông dân đơn lẻ một mình trong cuộc chiến thị trường khốc liệt như hiện nay", ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.
Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp của Đắk Nông hiện có hơn 318.000ha. Trong đó, cây hàng năm khoảng 84.000ha, cây lâu năm khoảng 234.000ha .