Các đại biểu chụp ảnh chung. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc Quốc hội Lào (20-25/9/2023), chiều 21/9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa 2 cơ quan nhằm tham mưu xây dựng, giám sát, triển khai các chính sách, pháp luật về công tác dân tộc, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào Khamchanh Sotapaserth đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào Khamchanh Sotapaserth cho biết việc tổ chức Hội thảo góp phần vun đắp và nâng tầm mối quan hệ tốt đẹp và truyền thống lịch sử lâu đời giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu.
Qua thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của cả hai nước được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhất là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nguời dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào Khamchanh Sotapaserth phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Hội đồng Dân tộc Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc Quốc hội Lào đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả nhất định được Quốc hội hai bên đánh giá cao, nhất là trong công tác tham mưu xây dựng, công tác thẩm tra giám sát đảm bảo chính sách dân tộc trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đã có những kiến nghị sát với thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, công tác dân tộc của mỗi nước cũng còn những hạn chế nhất định.
Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở cả hai nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, công tác giảm nghèo chưa bền vững.
Kết quả xây dựng nông thôn mới còn chưa đồng đều ở một số nơi, có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền. Công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc của các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mai một.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trong bối cảnh đặc điểm, tình hình của mỗi đất nước.
Đây là những kinh nghiệm, kiến thức quý báu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong lĩnh vực dân tộc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh sự tham dự và đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, vị thế cơ quan dân tộc của Quốc hội hai nước Việt Nam-Lào trong thực hiện các nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội hai nước; thể hiện mối quan tâm chung của hai cơ quan đối với việc tăng cường thẩm tra, giám sát chính sách giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số của mỗi nước.
Kết quả Hội thảo tiếp tục khẳng định sự tin cậy chính trị, quan hệ truyền thống tốt đẹp, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, với tình cảm gắn bó, chia sẻ giữa hai cơ quan dân tộc của Quốc hội hai nước./.