Quốc hội thông qua Luật Hải quan và Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Nguồn SGGP| 23/06/2014 22:22

Sáng nay, 23/6, Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu ghi nhận những nỗ lực của cơ quan soạn thảo dự Luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song cũng chỉ ra nhiều điểm cần bổ khuyết để loại bỏ những nguy cơ gây cản trở, hạn chế hiệu quả của hoạt động đầu tư kinh doanh.

Nhiều ĐB khuyến nghị “thiết kế Luật cẩn trọng để không chồng lên Luật Doanh nghiệp sửa đổi, tạo ra những thủ tục kép và lấn sân các luật chuyên ngành”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu: “Hoạt động đầu tư cơ bản được thực hiện thông qua việc thành lập doanh nghiệp. Những lĩnh vực cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện cũng đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi rồi; chỉ cần rà soát, bổ sung vào Luật Doanh nghiệp là đủ. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng nên chế định trong Luật Doanh nghiệp”.

Trong khi đó, một nhiệm vụ quan trọng được ĐB Nghĩa đặt ra cho dự án Luật Đầu tư sửa đổi là việc chấn chỉnh những “căn bệnh” trầm kha trong hoạt động đầu tư nước ngoài như tỷ lệ nội địa hóa thấp, tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô lớn, sử dụng nhân công giá rẻ và nhập khẩu công nghệ lạc hậu… Ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng cần đưa vào luật điều khoản cấm sử dụng các nguồn vốn nguồn gốc không hợp pháp.

Một nội dung đáng lưu ý khác, vẫn theo ĐB Nghĩa, là quy định “áp dụng pháp luật nước ngoài nếu không trái nguyên tắc cơ bản của luật pháp VN”. ĐB khuyến cáo: “Nếu không định nghĩa rõ thế nào là “nguyên tắc cơ bản của luật pháp VN” thì có thể phát sinh rất nhiều rắc rối, thậm chí tòa án cũng không xử lý được”.

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đề nghị của nhà đầu tư (đối với các dự án không thuộc lĩnh vực cấm hoặc hạn chế đầu tư) là gián tiếp công nhận việc một số cơ quan nhà nước đòi hỏi vô lý, khi pháp luật không yêu cầu phải có giấy chứng nhận. “Nên chăng cần mạnh mẽ quy định không cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý không được đòi hỏi loại giấy này”, ông Lộc kiến nghị.

Trong khi đó, ĐB Vũ Tiến Lộc lưu ý, loại dự án cần có sự kiểm soát chặt chẽ nhất, lẽ ra phải yêu cầu thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư thì lại bị bỏ qua. Đó là các dự án sử dụng nguồn lực của nhà nước, tiền thuế của dân với quy mô lớn.

Liên quan đến đầu tư nước ngoài, ông Lộc cho rằng cần đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường bình đẳng cho khối này, phù hợp với tiến trình hội nhập. Những hạn chế - nếu cần thiết – đã được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành khác.

Về các quyền của nhà đầu tư, cách thể hiện theo kiểu liệt kê như dự thảo Luật được ĐB Lộc coi là không phù hợp; lẽ ra nên theo hướng nhà đầu tư được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. ĐB Trương Trọng Nghĩa đồng tình với quan điểm này và đề nghị bổ sung một quyền quan trọng của nhà đầu tư: quyền chuyển đổi hình thức đầu tư.

Quan tâm đến các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung vào danh mục được ưu đãi các dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, quy mô lớn; khai thác sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực các dự án đầu tư ra nước ngoài để khai thác nhiên liệu ở nước ngoài, đảm bảo an ninh năng lượng, do các dự án này có tính rủi ro cao.

Trước khi thảo luận về dự án Luật Đầu tư sửa đổi, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hải quan sửa đổi với tỷ lệ tán thành cao.

* Chiều nay, 23/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Luật này được tập trung sửa đổi theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng về bảo vệ môi trường; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường; bổ sung thêm nội dung mới về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; gắn kết bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường.

Một trong nội dung đáng chú ý là luật quy định giao Thủ tướng quy định rõ danh mục phế liệu nhập khẩu, trong đó chỉ cho phép nhập để làm nguyên liệu sản xuất; không nhập để buôn bán trong nước. Để bảo vệ môi trường, phải có ký quỹ nhập khẩu phế liệu.

Luật cũng quy định cụ thể, chặt chẽ về nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để  phá dỡ. Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ góp phần giải quyết một phần vấn đề nguyên liệu cho sản xuất, nhất là thép phế liệu.

Trước đó, khi thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu có cùng quan điểm cho rằng dự thảo luật nên bỏ quy định cho nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng, vì không thể biến Việt Nam thành bãi rác phế liệu. Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng tán thành việc Chính phủ cho phép nhập khẩu một số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm. Vì vậy, không nên cấm tuyệt đối như Luật bảo vệ môi trường 2005, bởi Việt Nam vẫn cần nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Tuy nhiên, ĐBQH đề nghị Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần phải có quy định nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường cũng như những quy định cụ thể hơn nhằm kiểm soát hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng.

Về ý kiến đề nghị quy định rõ mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng trong luật để có cơ sở làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, giải trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho rằng, Luật không quy định cụ thể nhưng sẽ nêu trong Nghị định hướng dẫn triển khai luật.

Luật cũng quy định về quỹ bảo vệ môi trường. UBTV cho rằng, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam đã được thành lập từ năm 2002. Luật bảo vệ hiện hành cũng có quy định về quỹ này, đã có 48 tỉnh thành được quỹ hỗ trợ để triển khai các dự án bảo vệ môi trường; nguồn chi từ quỹ không trùng với nội dung chi của ngân sách Nhà nước về bảo vệ môi trường vì thế luật sửa đổi vẫn giữ quỹ này.

* Cũng trong buổi chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. 

Theo tờ trình của Chính phủ, thực tiễn tổ chức hoạt động thi hành án dân sự cho thấy: Còn có sự xác định chưa đúng bản chất của thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp; Tòa án chưa có trách nhiệm đến cùng với bản án, quyết định mà mình đã ban hành; Đã xảy ra tình trạng cắt khúc, tách rời các giai đoạn tố tụng làm hạn chế mối quan hệ giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án dân sự, giữa tòa án với cơ quan thi hành án dân sự...

Về trách nhiệm xác minh của người được thi hành án, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cần sửa đổi theo hướng người được thi hành án có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có, mà không bắt buộc phải xác minh. Sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh...

Thảo luận về dự án luật này, đa số đại biểu Quốc hội thành việc sửa đổi luật.  

Vấn đề được các ĐBQH tập trung thảo luận là về quy định giao tòa án ra quyết định thi hành án. Một số ĐBQH đề xuất không nên giao tòa án thực hiện thi hành án vì điều này sẽ mang tính hình thức, không giải quyết được những vấn đề vướng mắc hiện nay.

Từ thực tế công tác ở địa phương, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, khó khăn vướng mắc trong thi hành án dân sự hiện nay không phải là cơ quan nào ra quyết định thi hành án, mà là công tác thi hành án. Nếu giao cho tòa án ra quyết định thi hành án mà thi hành án vẫn không cao thì vô hình làm giảm hiệu lực của thi hành. Vì một bản án có thi hành được hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, chứ không phải phụ thuộc vào cơ quan đưa bản án ra thi hành.

Hơn nữa, một số ĐBQH còn lo, nếu Tòa án phải ra quyết định thi hành án  thì ảnh hưởng đến tính khách quan khi ra phán quyết vì dễ có tâm lý “phán quyết tạo thuận lợi cho mình”.

ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là cơ quan thi hành án thi hành các bản án dân sự, không quy định tòa án ra quyết định thi hành án, dẫn đến sự lòng vòng, đi ngược. ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cũng không tán thành Tòa án ra quyết định thi hành án.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) lại tán thành phải sửa đổi, nhưng chỉ nên sửa những nội dung thật cần thiết. Ông đồng ý với dự thảo khi quy định tòa án ra quyết định thi hành án, trên cơ sở đó cơ quan thi hành án sẽ thực thi, điều này phù hợp với chức năng của tòa án.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu thực tế có những bản án đã tuyên, thậm chí có người chết nhiều năm nhưng bản án vẫn chưa được thi hành. Do đó cần phải khắc phục hạn chế này để khôi phục lòng tin của người dân.

ĐB Nghĩa tán thành tòa án là cơ quan ra quyết định thi hành án để bảo đảm tính pháp lý cao nhất.  “Tôi cũng không tán thành quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Thực tế, nhiều người được thi hành án  không có đơn yêu cầu thi hành án vì họ không thỏa mãn với bản án đã được tuyên. Vì vậy, không nên chờ họ có đơn thì mới thi hành án, mà cần phải thi hành án theo quy định”, ĐB Nghĩa nói.

Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, cơ quan thi hành án phải có nghĩa vụ thi hành án, chứ không phải là làm giùm, làm hộ người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Hải quan và Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO