Quốc hội Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hải Phòng

30/11/2024 09:52

Sáng 30/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng với 454/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hải Phòng- Ảnh 1.
Toàn cảnh phiên họp

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 454/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.

Theo Nghị quyết, về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng: Chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng (sau đây gọi là Thành phố), thành phố Thủy Nguyên, huyện, xã, thị trấn tại Thành phố là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở các quận tại Thành phố là Ủy ban nhân dân quận.

Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

Chính quyền địa phương ở các phường tại Thành phố là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên.

Quốc hội Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hải Phòng- Ảnh 2.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng

Về Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của chính quyền địa phương cấp dưới; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết theo thẩm quyền; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận;

Đồng thời, bầu Hội thẩm tại Tòa án nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận; miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm tại Tòa án nhân dân quận theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân quận sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận; Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chánh án Tòa án nhân dân quận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận. Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn.

Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân Thành phố. 

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố gồm Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng ban là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. 

Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố có 01 Ủy viên hoạt động chuyên trách. Ủy viên hoạt động chuyên trách được hưởng lương theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức; được hưởng phụ cấp chức vụ bằng chức danh trưởng phòng cấp sở và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật...

Tại Nghị quyết cũng đã quy định cụ thể về: Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận; Hội đồng nhân dân thành phố Thủy Nguyên; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên; Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; quản lý cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;...

Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng theo mô hình quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quoc-hoi-nghi-quyet-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-thanh-pho-hai-phong-119241130095308655.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quoc-hoi-nghi-quyet-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-thanh-pho-hai-phong-119241130095308655.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Quốc hội Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hải Phòng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO