Theo hãng tin AFP, ngày 10/7, trong phiên họp đầu tiên, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm hạn chế quyền lực của tòa án, trong nỗ lực mới nhằm thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây chia rẽ ở nước này.
Sau phiên họp Quốc hội sôi nổi, dự luật đã được thông qua với tỷ lệ 64-56. Dự luật nhằm tước bỏ quyền phán quyết của cơ quan tư pháp về "tính hợp lý" trong các quyết định của Chính phủ.
Hiện tại, tòa án có thể bác bỏ một quyết sách của bộ máy hành pháp, bao gồm cả Chính phủ, nếu cho rằng nó "thiếu hợp lý" hoặc chưa được cân nhắc đầy đủ, kể cả trường hợp quyết định đó không vi phạm pháp luật.
Những thay đổi này, do Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất, đã dẫn tới một trong những làn sóng phản kháng lớn nhất từ trước đến nay tại Israel kể từ khi Chính phủ thông báo kế hoạch này hồi tháng 1 năm nay.
Hàng chục nghìn người biểu tình đã xuống đường trong các cuộc tuần hành hàng tuần, yêu cầu dừng kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp của Israel.
Sau sự phản đối gay gắt và sự chỉ trích ngày càng tăng của các nước, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, hồi tháng Ba, Thủ tướng Netanyahu đã ra lệnh tạm dừng kế hoạch cải cách tư pháp để tạo điều kiện cho các cuộc thương lượng với phe đối lập.
Tuy nhiên, với việc hai nhà lãnh đạo đối lập chính ở Israel, là Yair Lapid và Benny Gantz, đã rút khỏi các cuộc đàm phán, ông Netanyahu đang thực hiện một nỗ lực mới để Quốc hội Israel thông qua dự luật này./.