Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phá sản và Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi)

V.D (t.h)| 20/06/2014 07:28

Với 86,75% số phiếu tán thành, sáng 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi).

Luật Phá sản (sửa đổi) gồm 9 Chương, 133 Điều, quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

Đối tượng áp dụng của Luật là các doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và việc sửa đổi Luật phá sản; góp phần quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã…

Dự kiến sau khi được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

* Chiều  19/6, với gần 80% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trên tổng số đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Luật quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình; tuổi kết hôn; quy định giải quyết hậu quả của việc nam nữ sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; quy định việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo... Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Theo đó, về độ tuổi kết hôn, luật quy định từ đủ 18 tuổi trở lên đối với nữ, và 20 tuổi trở lên đối nam.

Về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chỉ có gần 60% ĐBQH có mặt tán thành bổ sung quy định này trong Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho rằng, điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng không thể sinh con kể cả đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, vì thế, luật cần bổ sung quy định này. Tuy nhiên, luật phải đưa ra các quy định chặt chẽ để ngăn ngừa việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Nội dung này trong Luật nêu rõ, vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là nội dung mới, vì thế luật quy định người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng, để ngăn ngừa mang thai hộ vì mục đích thương mại. Luật cũng quy định người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.

Theo số lượng thống kê, hiện nay có trên 700.000 cặp vợ chồng không có điều kiện sinh con, muốn được làm cha, làm mẹ. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đáp ứng được mong muốn của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Về vấn đề hôn nhân đồng tính, luật quy định rõ: về điều kiện kết hôn, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính. 

Về giải quyết hậu quả của nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, luật quy định nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được tính là thời kỳ hôn nhân, tuy nhiên quyền lợi của đứa trẻ sinh ra trước khi bố mẹ kết hôn được bảo vệ.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-pha-san-va-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-sua-doi-32482.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-pha-san-va-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-sua-doi-32482.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phá sản và Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi)
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO