Kinh tế

Quảng Trực trao "cần câu" cho người dân 

Hưng Nguyên 26/06/2023 05:52

Xã biên giới Quảng Trực xác định phát triển sản xuất là yếu tố cốt lõi để nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới (NTM). Do đó, xã đã có cách làm phù hợp, giúp người dân có nguồn thu nhận ổn định.

macca-1-(1).jpg
Quảng Trực đang hình thành vùng sản xuất mắc ca quy mô lớn để kêu gọi đầu tư chế biến, kết nối tiêu thụ

Ông Điểu Pao, ở bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có 400 cây mắc ca trồng trên 2 ha đất đang cho thu hoạch năm thứ 4.

Ông Pao cho biết, mỗi vụ gia đình thu được khoảng 2 tấn quả mắc ca, giá bán giao động từ 75.000 – 100.000 đồng/kg. Mắc ca dễ trồng, dễ chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư, nên phù hợp với gia đình ông.

Từ chỗ không đủ ăn, nhờ có cây mắc ca, gia đình ông Pao đến nay đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Ông Điểu Pao là một trong hàng trăm hộ dân tại xã Quảng Trực được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật để trồng mắc ca từ năm 2013 đến nay.

Những năm qua, thực hiện các giảm nghèo của Chính phủ, UBND xã Quảng Trực đã hỗ trợ gần 40.000 cây giống mắc ca cho hàng trăm hộ dân tại địa phương trồng trên 150 ha đất. 

Hiện nay, phần lớn số diện tích mắc ca này đều đã cho thu hoạch. Bình quân 1 ha mắc ca bà con thu được từ 0,8 - 1,5 tấn hạt, mang về thu nhập từ 80 – 120 triệu đồng/vụ (mỗi năm mắc ca cho thu hoạch 2 vụ). 

Ngoài mắc ca, xã Quảng Trực còn hỗ trợ 300 con bò lai, 16 con bò Brahman đực giống để cải tạo đàn bò cỏ của người dân địa phương. Xã còn cấp giống cỏ để người dân trồng trên 5 ha đất phục vụ chăn nuôi bò.

Bên cạnh đó, triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nhiều mô hình nuôi dê, heo, ngan, gà, vịt cho phụ nữ khó khăn; hỗ trợ giống dâu tằm, cây chùm ngây, khoai lan..., từ đó tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Xã Quảng Trực có khoảng 3.000 hộ, gần 12.000 khẩu, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, tiêu chí về thu nhập chỉ đạt 14,5 triệu đồng/người/năm. Đây vẫn đang là tiêu chí khó của địa phương khi tỉ lệ hộ nghèo lớn.

macca-2-(1).jpg
Người dân Quảng Trực vẫn đang mở rộng diện tích mắc ca để tạo nguồn thu nhập

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực đánh giá, đời sống người dân đã có nhiều đổi thay từ khi các nguồn hỗ trợ phát huy hiệu quả.

Ông Anh nêu ví dụ: Trước đây, bon Bu Prăng 1 là bon đặc biệt khó khăn nhất của xã. Sau quá trình triển khai hỗ trợ người dân ở đây trồng mắc ca tạo nguồn thu nhập, đến nay bon đã được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Cũng theo ông Anh, cây mắc ca và các chương trình hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế. Người dân đã dần chủ động mua cây giống, tìm hướng phát triển sản xuất cho gia đình một cách hiệu quả.

Đây là cơ sở để xã thực hiện các tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo trong những năm tới. Đối với cây mắc ca, người dân đang phát triển mạnh và trở thành cây chủ lực tại địa phương, với gần 600 ha.

Một số vườn mắc ca cho thu hoạch trung bình 3 tấn quả/năm. Để tạo thu nhập ổn định cho người dân, xã đang từng bước hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất mắc ca theo quy trình đạt chuẩn. Từ đó kêu gọi đầu tư chế biến, kết nối tiêu thụ.

Hiện nay, một số vụ mùa cây mắc ca cho tỉ lệ đậu quả thấp do gió, sương muối. Do đó, người dân và chính quyền địa phương rất cần ngành Nông nghiệp hỗ trợ để giúp xử lý vấn đề này hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần quản lý cây giống mắc ca hiệu quả để tránh thiệt hại cho người dân khi mua phải giống kém chất lượng...

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Quảng Trực trao "cần câu" cho người dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO