Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền (bên phải) tự nguyện tháo dỡ căn nhà xây dựng trên đất rừng |
Theo đánh giá, so với đợt 1 và đợt 2, việc cưỡng chế đợt 3 diễn ra thuận lợi và nhận được sự đồng thuận của người dân. Một phần là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân hiểu được việc lấn chiếm đất rừng là vi phạm pháp luật, nên đã chủ động di dời tài sản, vật kiến trúc, trả lại đất đã lấn chiếm.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (1 trong số 133 trường hợp vi phạm) cho biết, căn nhà đang ở được chị mua lại của một người tên Lưu (tạm trú ở xã Quảng Sơn) năm 2020, với giá hơn 60 triệu đồng. Thời điểm đó, do vợ chồng từ nơi khác đến Đắk Nông làm thuê, thiếu kiến thức về pháp luật, lại có nhu cầu nhà ở nên đã mua bán căn nhà bằng giấy viết tay với ông Lưu. Đến trước thời điểm huyện Đắk Glong thực hiện cưỡng chế, chị Hiền biết được toàn bộ căn nhà đều nằm trên đất rừng.
Được cán bộ địa phương tuyên truyền, giải thích và nhận thấy đoàn cưỡng chế của UBND huyện cương quyết thu hồi đất rừng, gia đình chị Hiền đã tự tháo dỡ mái tôn để sau này tận dụng. Nguyện vọng của chị Hiền là chính quyền địa phương hỗ trợ nơi ở trước mắt và giải quyết việc mua bán đất trước đây.
Một hộ dân khác di dời tài sản, cây giống để đoàn cưỡng chế thực hiện nhiệm vụ |
“Hoàn cảnh của vợ chồng tôi đều rất khó khăn, hai con lại nhỏ nên hiện tại chưa thể tìm được chỗ ở ổn định. Việc mua bán đất rừng là vi phạm quy định của pháp luật nên gia đình đồng ý trả lại đất nhưng rất mong muốn, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ để các cháu nhỏ có nơi tránh mưa, tránh gió trong thời gian này”, chị Hiền cho hay.
Sau khi nghe ý kiến của chị Hiền, đại diện UBND xã Quảng Sơn và đoàn cưỡng chế giải thích, gia đình chị Hiền có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, là trường hợp buộc phải giải tỏa, phá dỡ căn nhà để bàn giao lại đất rừng cho đơn vị quản lý.
“Trường hợp của chị Hiền không được đền bù hoặc bố trí tái định cư, việc cưỡng chế là đúng quy định của pháp luật. Chính quyền rất hoan nghênh việc tự nguyện tháo dỡ, di dời tài sản của gia đình ra khỏi phạm vi đất rừng. Nếu gia đình có nguyện vọng ở trọ trong thời gian tìm nơi ở mới, chính quyền địa phương sẽ xem xét, hỗ trợ tiền trọ trong vòng 3 tháng”, một thành viên đoàn cưỡng chế giải thích.
Lực lượng dân quân thực hiện rà phá bom mìn trước khi cưỡng chế |
Với quan điểm không có ngoại lệ, việc tổ chức cưỡng chế các trường hợp chiếm đất trái phép được thực hiện quyết liệt, với sự tham gia tích cực của nhiều lực lượng. Trong đó, Công an huyện Đắk Glong đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, làm rõ các đối tượng cầm đầu kích động, xúi giục, cản trở, gây mất trật tự trên địa bàn, bảo đảm cho việc tổ chức cưỡng chế đúng tiến độ.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong cho hay, trong 2 đợt trước, một số ít hộ dân phản ứng, có lời lẽ lăng mạ, xúc phạm lực lượng chức năng. Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị đã huy động lực lượng, kể cả cán bộ nữ, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, động viên người dân, nên việc cưỡng chế đều diễn ra an toàn, bảo đảm an ninh trật tự.
Công an huyện Đắk Glong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong lúc đoàn cưỡng chế làm việc |
Cuối năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 2126 về việc thu hồi 162,88 ha đất rừng của Công ty Nguyên Vũ giao Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý, bảo vệ; trong đó có 35,41 ha đã bị 133 trường hợp lấn, chiếm sử dụng. Với chủ trương kiên quyết thu hồi diện tích đất lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng, trong đợt 1, đợt 2 và ngày đầu của đợt 3, huyện Đắk Glong đã tổ chức cưỡng chế thành công 117/133 trường hợp.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho hay: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát sinh nhiều tình huống, vấn đề, đoàn cưỡng chế phải tổ chức xem xét, đánh giá tại chỗ để có phương án giải quyết hợp lý. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, công tác cưỡng chế được thực hiện đúng như kế hoạch đề ra, ngày càng nhận được sự quan tâm ủng hộ của người dân và sự đồng thuận của các hộ dân vi phạm”.