Những ngày nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên, vườn ổi của gia đình chị Ừng Thị Ngọc, ở thôn 8, xã Quảng Khê, vẫn xanh mướt. Từ căn nhà nhỏ nhìn ra, vườn ổi bạt ngàn, uốn lượn theo triền đồi, với chi chít quả trên cành. Ổi được bọc túi nilon trắng cẩn thận để chống sâu bọ.
Vườn ổi của gia đình bà Ừng Thị Ngọc là một trong nhiều trang trại áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao |
Nhanh tay hái những quả chín trên cây, chủ vườn nhiệt tình mời những người đến tham quan thưởng thức sản phẩm sạch ngay tại vườn. Theo chị Ngọc, ổi mùa nắng trái không đẹp, nhưng ngọt hơn so với mùa mưa.
Giống ổi chị trồng có vị ngọt dịu, ăn nhiều không chán. Không chỉ ra trái quanh năm, vườn ổi còn rất an toàn vì áp dụng theo quy trình sản xuất hữu cơ.
Vườn ổi này toàn bộ là giống ổi Trân Châu Đài Loan, được gia đình chị Ngọc xuống giống cách đây 10 năm. Từ đó tới nay, gia đình luôn áp dụng quy trình chăm sóc đặc biệt, cách ly với các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Đây là một trong những vườn ổi đầu tiên áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ tại địa phương. Vườn cây được bón phân vi sinh, các chất hữu cơ và bảo đảm cách ly tốt nhất với các chất độc hại bên ngoài. Hiện vườn ổi cho thu hoạch khoảng 2 tạ/ngày và có giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg, mang lại thu nhập tương đối cao.
Đây chỉ là một trong số nhiều mô hình trang trại áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất tại xã Quảng Khê. Những năm gần đây, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn ngày càng tăng về số lượng và quy mô. Hiện toàn xã có 5 mô hình trang trại trồng trọt, quy mô nhỏ nhất 3ha và lớn nhất là 62ha.
Sản phẩm ổi “sạch” của người dân Quảng Khê được thị trường ưa chuộng |
Ngoài các trang trại lớn, những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Quảng Khê đã chú trọng vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống cây công nghiệp, cây ăn quả, cây trồng ngắn ngày có tiềm năng và chất lượng đã được người dân đưa vào sản xuất.
Hiện tại, toàn xã có khoảng 250ha cây ăn quả (măng cụt, cam, quýt, sầu riêng, ổi…), 50 ha cây trồng ngắn ngày (lúa, ngô…) đã được sử dụng giống mới trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào chăm sóc đã giúp cho sản lượng các giống mới này cao hơn từ 30 - 40% so với các giống cũ tại địa phương.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Khê Phạm Văn Duẩn, thời gian qua, hoạt động khuyến nông đang được địa phương duy trì đều đặn. Xã Quảng Khê đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh các loại cây trồng cho khoảng 3.000 lượt người tham gia. Xã thường xuyên tổ chức tham quan các mô hình trồng trọt có hiệu quả để đánh giá, chia sẻ và hướng tới việc nhân rộng.
Quảng Khê có diện tích trên 11.900 ha, với dân số trên 11.100 người. Trong số hơn 7.100 người dân trong độ tuổi lao động, có gần 69% người hoạt động trong ngành nông nghiệp. Theo ông Duẩn, nông nghiệp vẫn là ngành có vai trò chủ yếu trong nền kinh tế và thu nhập của đại đa số người dân địa phương.
Do đó, việc người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là hướng đi tất yếu của xã. Quảng Khê rất tin tưởng trong tương lai, nông nghiệp của địa phương sẽ ngày càng phát triển, góp phần từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.