Nông nghiệp - Nông thôn

Quảng Hòa nỗ lực ổn định đời sống cho đồng bào Mông

PV 27/12/2024 11:08

Đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, người Mông nói riêng tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) luôn được chính quyền các cấp, ngành chức năng hỗ trợ để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Hỗ trợ sinh kế

Xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong có diện tích tự nhiên 8.543,64ha; 7 thôn, 1.527 hộ, 8.446 khẩu. Toàn xã có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 89,37%, riêng dân tộc Mông chiếm 71,9%, dân tộc Kinh chỉ chiếm 10,63%.

Là một xã có cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng còn khó khăn thiếu thốn, trình độ dân trí không đồng đều, nên Quảng Hòa là một trong những xã nghèo của huyện, cuối năm 2023 hộ nghèo chiếm 29,04%.

Đồng bào dân tộc Mông bắt đầu vào xã Quảng Hòa sinh sống từ những năm 1996-1997 theo dạng di cư tự do. Họ sinh sống rải rác, ở những khu vực trong rừng, xa trung tâm. Đa số khu vực này không đường, không điện, không đất ở, đất sản xuất và không hộ khẩu. Do đó, trước đây, đời sống của đồng bào Mông ở đây rất khó khăn, hầu như tất cả đều thuộc diện hộ nghèo.

z6169097083361_a42abae8e19735e5c5c4d162d05aa551(1).jpg
Một góc điểm bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư khu Suối Phèn thuộc thôn 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong

Những năm gần đây, chính quyền các cấp, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực để ổn định đời sống, hỗ trợ đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào Mông nói riêng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trong đó, việc ưu tiên nguồn vốn ưu đãi để bà con đầu tư sản xuất, cấp đất ở, đất sản xuất, cấp căn cước công dân… đã được UBND huyện Đắk Glong và xã Quảng Hòa chú trọng thực hiện. Đặc biệt, địa phương tận dụng tối đa nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để giúp đồng bào từng bước thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống.

z6169097083458_fc43ded26f71aea5fdd51610b46719ad(1).jpg
Nhiều hộ đồng bào Mông, xã Quảng Hòa được cấp đất ở, đất sản xuất nên có cuộc sống ngày càng ổn định

Năm 2023, ông Giàng A Dín được cấp đất ở theo Dự án ổn định dân cư khu Suối Phèn thuộc thôn 12, xã Quảng Hòa. Với diện tích hơn 100 m2, ông Dín là 1 trong 97 hộ được cấp đất ở tại Dự án ổn định dân cư Suối Phèn của xã Quảng Hòa (có tổng diện tích đất là 170,8ha). Vô cùng vui mừng, ông Dín bày tỏ, hơn 20 năm sinh sống ở đây, bây giờ gia đình tôi mới có được mảnh đất “chính chủ”. Bên cạnh đó, tất cả hộ dân đồng bào Mông đã được cấp căn cước, định danh điện tử. Đây quả thực là điều mà gia đình chúng tôi mong ước hàng ngày. Chúng tôi cảm ơn chính quyền các cấp rất nhiều. Có đất ở ổn định, chúng tôi sẽ nỗ lực không để tái nghèo, chăm lo lao động sản xuất để nâng cao đời sống.

z6169983747237_50f4eb67eb4adad7a0dea1d5cdc515a1(1).jpg
Đến tháng 10/2024, hầu hết đồng bào Mông tại Quảng Hòa đã được làm CCCD

Năm 2024, từ nguồn vốn từ Chương trình 1719, Quảng Hòa có 3 hộ dân được hỗ trợ đất ở với số tiền 132 triệu đồng (44 triệu đồng/hộ); hỗ trợ nhà ở 2 hộ với số tiền hỗ trợ 114 triệu đồng, trong đó 1 hộ hỗ trợ 44 triệu đồng, 1 hộ hỗ trợ 70 triệu đồng; 3 hộ thực hiện trong tháng 1/2025; hỗ trợ 40 hộ chuyển đổi nghề. Chương trình giảm nghèo hỗ trợ 1 hộ nhà ở với số tiền là 70 triệu đồng…

z6169128171741_cb750e876f8ccafa72c488b62b8a5ada(1).jpg
Cây dâu trở thành "cây xóa đói" của đồng bào Mông tại xã Quảng Hòa

Giữa năm 2023, UBND xã Quảng Hòa triển khai các dự án trồng dâu nuôi tằm của Tổ cộng đồng thôn, 6, 7, 8 và 10 thuộc Chương trình 1719. Dự án có 14 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, có 7 hộ cận nghèo; 3 hộ nghèo và 3 hộ mới thoát nghèo. Thời gian thực hiện là 2 năm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1,211 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 204 triệu đồng, số còn lại do người dân đóng góp.

Cũng trong năm 2023, UBND xã Quảng Hòa đã phê duyệt dự án hỗ trợ sản suất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Trồng dâu nuôi tằm của Tổ cộng đồng thôn 7 và 8. Dự án có 12 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thời gian thực hiện là 2 năm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 901 triệu đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 228 triệu đồng, số còn lại do các hộ dân đóng góp.

z6169126539710_3ee491449c8c0d22a71e7d0f92ff64f9(1).jpg
Khi tham gia vào Tổ cộng đồng trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Hòa, mỗi tháng, một tổ viên nuôi trung bình 2 hộp tằm, thu nhập khoảng gần 20 triệu đồng

Qua tìm hiểu, các hộ dân tham gia những dự án sản xuất cộng đồng trên đều rất vui mừng. Tham gia dự án, không những được Nhà nước hỗ trợ về vốn, họ còn được tiếp cận nguồn cây giống đạt tiêu chuẩn; hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm; bảo đảm đầu ra ổn định. Quan trọng hơn là họ có thể vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định và từng bước nâng cao cuộc sống ngay trên mảnh đất mình canh tác.

Ông Hà Văn Độ, Trưởng thôn 7, xã Quảng Hòa cho hay: Những hộ đồng bào DTTS trong thôn tham gia vào dự án sản xuất cộng đồng trồng dâu nuôi tằm đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Do vậy, với các dự án này, không những người dân vui mừng mà ngay cả chi bộ, ban tự quản thôn cũng rất phấn khởi vì đồng bào có cơ hội nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Qua hơn 1 năm tham gia, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Theo UBND xã Quảng Hòa, từ năm 2022-2024, toàn xã có gần 200 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm, với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng.

z6169097024816_311dcd19f2b2800d16726beb7dd69280.jpg
Đồng bào dân tộc Mông khu vực Suối Phèn thuộc thôn 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong được vay vốn ưu đãi chăm sóc cà phê, phát triển kinh tế

Ông Phan Đình Mạo, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết thêm, người dân địa phương trước đây phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mặc dù có thu nhập nhưng chưa cao, tính cộng đồng chưa có và chưa có sự ổn định, bền vững. Trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với định hướng của địa phương, giúp khai thác tối đa thế mạnh về tự nhiên và con người. Hiện nay, nuôi tằm chi phí thấp, vòng quay vốn nhanh, giá kén ổn định nên rất nhiều nông hộ thoát nghèo và làm giàu từ nghề này.

Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển

Với sự đồng hành của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia và sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Hòa ngày càng giảm rõ nét. Năm 2022, xã có trên 41% hộ nghèo; năm 2023 còn chiếm 29,04% hộ nghèo (giảm gần 12% so với năm 2022). Theo kết quả rà soát sơ bộ, đến cuối năm 2024, Quảng Hòa còn 208 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,01%, giảm 16,03% so với năm 2023.

z6169073771370_3811c095471f3c7028f6bdd7eb037c83-1-.jpg
Đầu xuân năm mới, UBND xã Quảng Hòa tổ chức Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Mông để bà con vui chơi, nhất là trò ném còn

Để tiếp tục công tác giảm nghèo, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp, mới đây, UBND xã Quảng Hòa đã đề xuất danh mục, thành phần các dự án đưa vào quy hoạch giai đoạn 2026-2030 và dự kiến đến 2045 để bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng.

UBND xã Quảng Hòa phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, xã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các điểm dân cư theo thứ tự ưu tiên là: Giao thông, trường học, hạ tầng văn hóa - thông tin..., phù hợp với các tiêu chí trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

z6169083416639_98d17739e71795b518418d63cef8f274(1).jpg
Con em đồng bào dân tộc Mông tại xã Quảng Hòa được đến trường học tập

Theo đó, giai đoạn 2026-2030, Quảng Hòa đề xuất đầu tư các công trình, hạng mục chủ lực như: Công trình đường vào khu sản xuất thôn 6, 7, 8, 9, dự kiến tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng; công trình nước sinh hoạt tập trung thôn 6, 7, 8, tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng; công trình nước sinh hoạt tập trung khu vực Đắk Tin- Quảng Hòa, tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng; công trình nhà văn hóa xã, thôn 7,8,10,11,12 xã Quảng Hòa, hạng mục giếng nước, nhà vệ sinh; tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng; công trình đường giao thông nội vùng thôn 11, tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng; công trình đường giao thông nội vùng thôn 10, tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng; công trình đường giao thông nội vùng thôn 12, tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng…

z6168212963620_b10a5f59500580b3038f452e4d98a4f4(1).jpg
Đồng bào Mông xã Quảng Hòa thành lập nhóm đồng sở thích nuôi bò chọi vừa phục vụ Lễ hội Lồng tồng, vừa phát triển kinh tế

Ông Giàng Seo Chúng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong khẳng định, để giảm nghèo thành công, địa phương xác định việc quan trọng cần làm nhất là tuyên truyền, vận động và nhân rộng ý thức tự nỗ lực, vươn lên thoát nghèo cho người dân. Từ đó, Đảng ủy yêu cầu các ban ngành, mặt trận, đoàn thể các cấp cần đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp như hướng dẫn những mô hình, cách làm hay, cây, con thế mạnh, khoa học kỹ thuật... Việc tuyên truyền không chỉ gói gọn trong các cuộc hội họp mà mọi lúc, mọi nơi.

z6169073265428_ff32dd5dcbae7c10178732123e85920d(1).jpg
Đồng bào Mông xã Quảng Hòa lưu giữ văn hóa thổi khèn, múa khèn truyền thống

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong đánh giá, các hạng mục được UBND xã Quảng Hòa đề xuất đầu tư xây dựng đều có tính khả thi, nguồn vốn sẽ được UBND huyện bố trí từ các dự án Chương trình 1719 để xã triển khai thực hiện. Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Quảng Hòa sẽ được tiếp sức, hỗ trợ để xóa đói giảm nghèo, tiếp tục ổn định cuộc sống của cộng đồng người Mông.

Người Mông đến sinh sống ở huyện Đắk Glong từ những năm 1997, hiện nay đã phát triển hơn 3.560 hộ với 23.646 khẩu, sinh sống tại 7/7 xã của huyện. Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng: đường, trường, trạm y tế; giúp đỡ về vốn vay ưu đãi, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hưởng các chính sách ưu tiên như nhập khẩu, làm CCCD, cấp đất ở, đất sản xuất… Đồng bào Mông luôn sống đoàn kết với cộng đồng các dân tộc khác, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất, xây dựng đời sống mới ngày càng ổn định, phát triển; con em được học hành; văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy…

UBND huyện Đắk Glong

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Quảng Hòa nỗ lực ổn định đời sống cho đồng bào Mông
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO