Dự án thủy lợi Suối Đá tại xã Quảng Hòa (Đắk Glong) được đầu tư 90 tỷ đồng nhằm phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha đất sản xuất của người dân địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án này đang bộc lộ hàng loạt bất cập, đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất tại địa phương.
Nhiều người dân tại thôn 12 là nơi phần lớn tuyến kênh của dự án chạy qua cho rằng, tình trạng kênh dẫn nước nằm sâu hơn so với mặt ruộng, có nơi sâu từ 3m đến gần 10m khiến họ không thể lấy nước trực tiếp từ dự án. Hàng loạt diện tích lúa nước, cây công nghiệp đối diện nguy cơ thiếu nước tưới, thậm chí một số hộ dân không thể sản xuất do không thể dẫn nước vào ruộng.
Anh Lầu Văn Dê ở thôn 12, xã Quảng Hòa cho biết, mỗi năm gia đình chỉ sản xuất một vụ lúa. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, gần 2 sào ruộng không thể lấy nước nên gia đình liên tục phải mua gạo, ngô về ăn. Sau Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm gieo trồng, nhưng vì ruộng cao hơn bề mặt kênh dẫn nước, gia đình anh Dê phải thuê máy múc về hạ nền, với hy vọng có thể lấy nước từ kênh dẫn để sản xuất. Tổng số tiền anh Dê bỏ ra đến thời điểm này đã gần 30 triệu đồng.
Gia đình anh Lầu Văn Dê đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để thuê máy múc, hạ nền ruộng xuống |
“Chúng tôi đã làm lúa nhiều năm nay, nhưng từ ngày có kênh dẫn nước mới, lại không thể sản xuất bình thường. Năm ngoái, chi phí mua dầu để chạy máy bơm nước vào ruộng quá tốn kém nên năm nay chúng tôi quyết định hạ ruộng xuống thấp hơn và bằng với mặt kênh. Với 8 sào lúa (gồm cả ruộng của bố mẹ và anh trai), chi phí thuê máy múc đã gần 100 triệu đồng”, anh Dê cho hay.
Tương tự, nhiều hộ dân khác đang chịu ảnh hưởng khi kênh dẫn nước được đặt dưới lòng đất, thấp hơn 3 m so với mặt ruộng nên việc đưa nước về ruộng gặp khó khăn, lúa còi cọc, không phát triển và năng suất thấp hơn những năm trước.
Cuối tháng 2/2022, tận dụng nguồn nước mưa tự nhiên, các hộ dân thôn 12 đã gieo trồng lúa. Đến thời điểm này, lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, cần rất nhiều nước nhưng dự án thủy lợi chưa đáp ứng đủ.
“Nếu trong những ngày tới, trời không mưa hoặc nước dẫn về ruộng không đủ, chúng tôi lo rằng lúa sẽ không có hạt vì không đủ nước cho cây phát triển. Người dân rất hy vọng, công trình sớm được hoàn thành để bà con yên tâm sản xuất" anh Tráng A Tống, một hộ dân thôn 12 nói.
Tại một số vị trí, nền ruộng được hạ thấp xuống gần 4m so với bề mặt ruộng trước đây |
Trước tình trạng thiếu nước, nhiều hộ dân phải đầu tư số tiền lớn để sản xuất. Ông Vi Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết, phần lớn các hộ dân tại thôn 12 đều là đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn và kinh tế phụ thuộc vào việc sản xuất lúa nước. Tuy nhiên, trong 2 năm nay, việc thi công công trình đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và an ninh lương thực của địa phương.
“Tới thời điểm này, người dân vẫn chỉ sản xuất được một vụ lúa/năm. Nhiều diện tích do không lấy đủ nước nên không thể sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu đói cục bộ tại một số hộ dân. Hiện nay, để khắc phục việc mặt ruộng cao hơn kênh dẫn nước, nhiều hộ dân chọn cách hạ thấp nền, bằng với mặt kênh dẫn nước”, ông Thuộc cho biết thêm.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Quảng Hòa lo ngại, việc hạ thấp nền ruộng không những tốn công sức, tiền bạc của người dân mà còn dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất trong thời gian tới, trong đó hiện hữu là tình trạng đất nhiễm phèn.
Kiến nghị với cơ quan chức năng, ông Vi Văn Thuộc mong mỏi dự án sẽ sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan cần có biện pháp khắc phục những bất cập đang hiện hữu tại công trình, để hạn chế những tác động tiêu cực đến việc sản xuất của người dân.