Quảng bá Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Qua các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật và giáo dục học đường, hình ảnh Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ, trở thành niềm tự hào của người dân.
Quảng bá qua văn học nghệ thuật
Trong những ngày cuối năm 2024, Đắk Nông đầy nắng và gió đón đoàn 22 văn nghệ sĩ từ các tỉnh về tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên sâu về Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông. Hình ảnh vùng đất, con người và di sản đã khắc sâu trong tâm trí họ, trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những tác phẩm nghệ thuật.
Hoạ sĩ Phạm Văn Hưng, Hội VHNT tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Trước chuyến đi, tôi chỉ hình dung Đắk Nông là vùng đất bạt ngàn cà phê và hồ tiêu. Nhưng khi tới đây, phong cảnh hoang sơ, hệ thống hang động núi lửa đã khiến tôi hoàn toàn bất ngờ". Trong chuyến khám phá hang động núi lửa, những viên đá như trải dài hàng triệu năm mang lại cho anh cảm giác được kết nối với đất mẹ. Tất cả những điều này đã trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ cạn kiệt cho sáng tác nghệ thuật.
Từ Cao Bằng, nhà văn Phạm Thành Thắng, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng, Tổng Biên tập Tạp chí Non nước Cao Bằng mang theo tình yêu văn hóa vùng cao tới Đắk Nông. Anh nhận thấy những điểm tương đồng đặc biệt giữa văn hóa các dân tộc. Anh chia sẻ: “Tôi hy vọng thông qua tác phẩm mình sáng tác, có thể kết nối hai miền di sản Cao Bằng và Đắk Nông, quảng bá những giá trị quý giá đến rộng rãi hơn".
Theo ông Đặng Bá Canh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là nguồn cảm hứng dồi dào cho văn học và nghệ thuật. Trại sáng tác không chỉ là một sân chơi bổ ích, mà còn là động lực thúc đẩy tinh thần sáng tạo của các văn nghệ sĩ, giúp họ tạo ra những tác phẩm chất lượng, phản ánh chân thực và sống động giá trị di sản của vùng đất này. Những tác phẩm ấy góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tới cộng đồng trong nước và quốc tế.
Ngoài việc tổ chức trại sáng tác, hội VHNT các tỉnh có CVĐCTC đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2024-2029. Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng, chương trình ký kết nhằm thúc đẩy tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn di sản. Đồng thời, mong muốn quảng bá sâu rộng các giá trị di sản, tour, tuyến tham quan tại hệ thống CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và CVĐCTC Lạng Sơn đến bạn bè quốc tế.
Hội VHNT của 4 tỉnh phối hợp thực hiện 2 chuyên trang mỗi năm trên các tạp chí: Nâm Nung, Non nước Cao Bằng, Văn nghệ Hà Giang, và Văn nghệ Xứ Lạng. Bên cạnh đó, các hoạt động như tổ chức chuyến đi thực tế, trại sáng tác, triển lãm ảnh nghệ thuật, cùng các cuộc thi sáng tác VHNT sẽ được triển khai nhằm giới thiệu và phản ánh sâu sắc các giá trị vùng di sản thuộc CVĐCTC tại 4 tỉnh.
Đưa CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vào trường học
Một số trường học tại Đắk Nông đã triển khai nhiều hoạt động thú vị để quảng bá và nâng cao nhận thức cho học sinh về giá trị của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Đắk Nông đưa thông tin về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vào trường học bằng nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, việc trưng bày hiện vật, thông tin, tranh ảnh, đồ họa tại phòng truyền thống đã giúp học sinh tham quan, tìm hiểu về những điểm đến trong hệ thống CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Từ đó giúp học sinh không chỉ có thêm kiến thức mà còn hiểu hơn về những nét đẹp riêng của chính quê hương mình.
Thông qua các hiện vật, tranh ảnh, học sinh biết được hệ thống hang động, núi lửa. Đồng thời, biết thêm những danh lam, thắng cảnh trải dài trên 5 huyện và thành phố của tỉnh Đắk Nông.
Bên cạnh việc trưng bày hiện vật, tranh ảnh, thông tin, các trường học còn tích hợp kiến thức về CVĐVTC UNESCO Đắk Nông vào giảng dạy bộ môn Lịch sử, Địa lý trong các tiết học về giáo dục địa phương. Trên cơ sở những tài liệu, hình ảnh của các cơ quan chuyên môn cung cấp, căn cứ vào kế hoạch giảng dạy cụ thể của nhà trường, các giáo viên xây dựng giáo án phù hợp về CVĐC.
Những kiến thức được học trở thành nguồn cảm hứng để các em học sinh sáng tạo nên những sản phẩm ý nghĩa về CVĐC, bài thuyết trình về các điểm đến hấp dẫn trong các cuộc thi, hoặc những bức tranh vẽ về vẻ đẹp thiên nhiên của Đắk Nông. Qua đó, các em không thể hiện rõ sự hiểu biết mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của CVĐCTC đến cộng đồng.
Chương trình học đã mở ra cho các em học sinh một thế giới kỳ diệu của CVĐVTC UNESCO Đắk Nông. Qua từng tiết học, các em không chỉ hiểu rõ hơn về giá trị địa chất, địa mạo của vùng đất này mà còn nhận thức được sự sâu sắc về tầm quan trọng của công việc bảo tồn đa dạng sinh học và di sản văn hóa.
Theo Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông, nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục về CVĐC, đơn vị đã phối hợp với các trường học cung cấp tài liệu, tổ chức các tập huấn giúp học sinh hiểu sâu về CVĐC. Nhờ đó, thế hệ trẻ Đắk Nông không chỉ tự hào về quê hương mình mà còn trở thành thành những người bảo vệ tích cực cho di sản văn hóa, thiên nhiên.
CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có những lợi thế về thiên nhiên và nền văn hóa cộng đồng dân cư bản địa để phát triển hiệu quả du lịch CVĐC, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Để phát huy những lợi thế đó, Đắk Nông cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng
bá nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị trong vùng di sản.PGS.TS Trần Tân Văn, chuyên gia cấp cao của Mạng lưới CVĐCTC