Quân và dân Đắk Nông trong chiến thắng Đức Lập
Trong trận đánh Đức Lập năm 1975, quân và dân Đức Lập - nay là huyện Đắk Mil (Đắk Nông) - đã hợp đồng tác chiến, phối hợp nhịp nhàng để giành những thắng lợi giòn giã.
Bộ đội quyết tâm
Đến tháng 3/1975, trong Chiến dịch Tây Nguyên, Đức Lập được chọn là điểm mở đầu, then chốt để tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Huyện Đức Lập nằm trong thế sẵn sàng đón thời cơ, với nhiệm vụ phối hợp với đòn tiến công quân sự, đánh phá bình định, giành dân ở khu vực trọng điểm.
Tình hình quân sự trên hướng Đức Lập thời điểm này địch có Sở chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 ngụy, 2 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội pháo binh 105mm, 1 chi đoàn xe tăng, 5 đại bác và một số đơn vị trinh sát, công binh của Sư 23 ngụy - cứ điểm quân sự mạnh.
.jpg)
Đức Lập hình thành tuyến phòng thủ phía Tây Nam Buôn Ma Thuột, là lá chắn ngăn chặn đường hành lang chiến lược của ta vào miền Nam.
Trong trận đánh vào quận lỵ Đức Lập, Bộ Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chủ lực lớn gồm bộ binh, đặc công, pháo binh, công binh….
Sư đoàn 10 bộ binh của ta được giao nhiệm vụ “Bước đầu tiêu diệt tuyến phòng thủ Đức Lập, sau đó nhanh chóng cơ động về Buôn Ma Thuột làm lực lượng dự bị chiến dịch”.
Với quyết tâm đó, để bảo đảm thắng lợi, các đơn vị chủ lực phải đặc biệt coi trọng yếu tố bí mật. Đầu tháng 3/1975, Sư đoàn 10 cơ động từng khối trong thời gian 6 ngày vào khu vực tập kết Đắk Đam, cách tây bắc Đức Lập khoảng 28km và chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công cách Đức Lập 6km.

Việc di chuyển một số lượng lớn quân cùng vũ khí rất dễ bị địch phát hiện. Tuy nhiên, được sự che chở của người dân, Sư đoàn 10 vẫn giữ được an toàn, bí mật.
Cựu chiến binh Hoàng Xuân Liên (SN 1948) quên quán tỉnh Hà Tĩnh, nguyên là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 10 nhớ lại: “Đầu năm 1975, đơn vị tôi được lệnh mở đường phía Tây về hướng Đắk Đam. Chúng tôi được quán triệt trong quá trình mở đường phải bảo đảm yếu tố bí mật. Cán bộ, chiến sĩ ai cũng biết sắp có chiến dịch lớn nên rất khẩn trương. Trong quá trình mở đường, chúng tôi gặp nhiều người dân đi làm nương, rẫy. Thấy bộ đội ta, người dân rất mừng, thường cho chúng tôi lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, người dân đều giữ an toàn. Vì thế địch không hề hay biết về bộ đội chủ lực của ta”.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Thí, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn 10 thì cho biết: “Cho đến tận sát ngày tiến công theo kế hoạch, phần lớn các đơn vị chủ lực của quân ta đều bảo đảm được vị trí đóng quân, trận địa pháo, mặc dù trận địa pháo khu vực Đắk Đam chỉ cách Đức Lập đường chim bay chỉ khoảng 6km”.
Cựu chiến binh Trần Hữu Thể, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 chia sẻ: “Khi chúng tôi đánh Đức Lập, dân cư ở đây còn thưa thớt, chủ yếu là các cứ điểm của địch. Các cứ điểm này phân tán. Tuy nhiên, người dân đã dẫn đường, chỉ đường giúp chúng tôi tiếp cận, đánh vào các cứ điểm này”.
Vào lúc 5h30' sáng 9/3/1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316 bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện Đức Lập đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập.

Đến 8h30' cùng ngày, ta đã chiếm được căn cứ 23. Cùng lúc, ở phía Tây, Trung đoàn 28 cũng đã đánh chiếm căn cứ Núi Lửa; Trung đoàn 66 chiếm Sở chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 địch.
Sư đoàn 10 tiếp tục tổ chức tiến công vào chi khu (quận lỵ Đức Lập). Tại quận lỵ Đức Lập, dựa vào hệ thống lô cốt, hầm ngầm kiên cố, công sự và xe thiết giáp đặt ngầm dưới đất, quân địch đã chống trả quyết liệt.
Sư đoàn 10 phải tổ chức nhiều đợt tiến công, đưa pháo hạng nặng vào gần, hạ nòng bắn thẳng, tới 8h30' ngày 10/3/1975, ta mới làm chủ được quận lỵ Đức Lập.
Nhân dân hưởng ứng
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, huyện Đức Lập là một trong những địa bàn trọng điểm trên chiến trường Nam Tây Nguyên, nơi có vị trí quân sự chiến lược; là nơi địch tập trung lực lượng mạnh, với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.
Tuy nhiên, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đức Lập đã luôn luôn quán triệt, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, phương châm chỉ đạo của Đảng; tập trung củng cố và phát triển lực về mọi mặt, đóng góp quan trọng vào chiến thắng Đức Lập.
.jpg)
Xuyên suốt trận đánh, lực lượng vũ trang huyện Đức Lập đã hình thành những đội công tác nhỏ, hoạt động phân tán, nhỏ lẻ, kết hợp với các trung đội, đại đội tập trung; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh và bộ đội chủ lực, đạt hiệu suất chiến đấu cao.
Trong đó, lực lượng vũ trang huyện đã hợp đồng chặt chẽ với các đơn vị thuộc Sư đoàn 10 tham gia chuẩn bị chiến trường, bảo đảm vật chất hậu cần, phối hợp tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn quận lỵ Đức Lập.
Cùng với tiến công quân sự là phát động quần chúng nổi dậy. Theo đó, ngay trong ngày 9/3/1975, các đội công tác của huyện đã phát động Nhân dân từ các ấp trên trục đường hướng Đức Lập - Đắk Sắk - Đắk Song nổi dậy.

Đội công tác đã cùng bộ đội chủ lực diệt 2 đại đội bảo an địch ở Đức Minh - Đắk Sắk. Đồng thời tham gia truy quét bọn ác ôn đầu sỏ bắt hàng trăm tên, gọi hàng bọn nghĩa quân dân vệ ra nộp súng, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân.
Tiêu biểu như, quân và dân ta đã tiêu diệt địch ở ấp Vườn ươm Đắk Pét, Sa Pa, diệt trừ làm tan rã lực lượng nghĩa quân, tước súng bọn bảo an dân vệ.
Trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, Đảng bộ quân dân huyện Đức Lập đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp với chủ lực “Đánh thắng trận cài thế hiểm hóc” tạo thuận lợi cho chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975.