Học sinh DTTS nói chung và học sinh dân tộc Mông nói riêng luôn được quan tâm, tạo mọi điều kiện đến trường. Ảnh: Trẻ em Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong) được hỗ trợ ăn trưa |
Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2018-2019 toàn tỉnh có 41.110 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 24,2% tổng số học sinh toàn tỉnh. Số học sinh DTTS học tại các trường nội trú cấp THCS-THPT chiếm trên 22% tổng số học sinh của tỉnh. Trong đó, số học sinh dân tộc Mông theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú luôn chiếm tỷ lệ khá cao, đứng thứ 3 trong các dân tộc theo học tại hệ thống giáo dục đặc thù.
Những năm qua, tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực, kết hợp linh hoạt các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nên giảm bớt được số lượng phòng học tạm bợ, nâng dần phòng học kiên cố trên 87%. Hệ thống trường học được mở rộng tương đối hợp lý. Bình quân mỗi đơn vị cấp xã có 1,5 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1,2 trường THCS và 1 trung tâm học tập cộng đồng.
Bình quân mỗi đơn vị cấp huyện có 3,87 trường THPT, 0,9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-thường xuyên và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Toàn tỉnh có 8 trường nội trú đều nhận học sinh từ bậc THCS đến THPT. Nhiều vùng đồng bào Mông sinh sống đã cơ bản được tiếp cận, thụ hưởng những thành quả đầu tư, con em được đến trường ngày càng nhiều.
Ngoài các chế độ, chính sách chung của Trung ương, tỉnh đã có những chính sách đặc thù đối với học sinh con em DTTS, trong đó có học sinh dân tộc Mông. Điển hình, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 41 nêu rõ đối tượng học sinh tiểu học thuộc hộ nghèo, cận nghèo DTTS tại chỗ và dân tộc Mông được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/em. Giáo viên giảng dạy tăng cường tiếng Việt, phụ đạo học sinh yếu kém tại các trường học có học sinh DTTS tại chỗ và dân tộc Mông được hỗ trợ bằng 4% mức lương tối thiểu chung/1 tiết dạy.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng có Nghị quyết 31 quy định hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021. Trong đó, mỗi học sinh dân tộc Mông được cấp một bộ sách giáo khoa, vở viết và trong 9 tháng học được hỗ trợ 50.000 đồng/tháng.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho giáo dục vùng DTTS nói chung và con em dân tộc Mông nói riêng nhưng thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành Giáo dục đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, chế độ liên quan đến giáo dục ở vùng đồng bào Mông. Về phía các nhà trường cần có kế hoạch cụ thể về tuyển sinh, chú trọng các gia đình có con em ở nơi xa xôi, hẻo lánh, không để sót học sinh đến tuổi không được đến trường. Các cấp chính quyền cần đặc biệt quan tâm đến các gia đình sinh sống ở vùng xa trường học để vận động bà con làm hộ khẩu, giấy khai sinh, xét chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo để được thụ hưởng các chế độ, chính sách liên quan đến giáo dục.