Theo Sở Công thương, tính đến giữa năm 2020, toàn tỉnh có trên 24.000 ha cây cao su, với năng suất bình quân đạt 1,4 tạ/ha. Tổng sản lượng mủ đạt trên 27.000 tấn. Diện tích cao su của tỉnh tăng nhanh nhất là trong giai đoạn 2010 – 2013; trong đó, năm 2013 tăng 8.676 ha so với năm 2010.
Chế biến mủ cao su tại Công ty cổ phần cao su Dak Noruco (Đắk Mil) |
Sản lượng mủ năm 2013 cũng tăng 11.262 tấn so với năm 2010, do giá mủ cao su trên thị trường tăng cao. Sự hỗ trợ của các chương trình, dự án tác động đến phát triển diện tích cao su như: Dự án cao su tiểu điền, dự án đa dạng hóa nông nghiệp.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2014 – 2019, do ảnh hưởng của giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp và kéo dài, cùng với sự lên giá của một số sản phẩm nông sản khác, nên diện tích cao su của tỉnh bị thu hẹp dần.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 6 nhà máy chế biến mủ cao su, với tổng công suất là 23.500 tấn mủ cốm/năm. Trong đó, lớn nhất là 2 nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Đắk R’tíh (Tuy Đức), với công suất 7.000 tấn/năm và nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Hưng Bình (Đắk R’lấp), với công suất 9.000 tấn/năm của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Đỗ Kim Thành.
Ngoài ra, tại vùng có diện tích cao su lớn ở Đắk Mil cũng đã xây dựng 2 nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty cổ phần cao su Đắk Noruco, với công suất 1.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH một thành viên Hoàng Khải Nam, với công suất 3.000 tấn/năm…
Phần lớn các nhà máy tập trung chế biến sản phẩm cao su mủ cốm để phục vụ thị trường xuất khẩu. Mặc dù thời gian qua, địa phương đã quan tâm xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực cao su trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay, Đắk Nông chưa có nhà máy nào đầu tư sản xuất các sản phẩm cao su tinh chế như: Các loại nệm, dây curoa, săm, lốp ô tô các loại...
Nhìn chung các nhà máy chế biến cao su mủ cốm của tỉnh có quy mô còn nhỏ, máy móc thiết bị chưa đồng bộ, dây chuyền công nghệ và máy móc thiết bị chậm thay thế và cải tiến, hiệu quả kinh tế chưa cao… Năm 2020, tổng sản lượng mủ cao su chế biến của toàn tỉnh chỉ thực hiện được 6.500 tấn, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.
Để phát triển ngành Công nghiệp chế biến mủ cao su ngày một bền vững, Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích cao su toàn tỉnh sẽ duy trì khoảng 36.000 ha, sản lượng mủ khoảng 57.000 tấn, năng suất bình quân khoảng 15,48 tạ/ha.
Thực hiện mục tiêu này, địa phương sẽ duy trì và ổn định quy mô công suất của các nhà máy hiện có. Trong giai đoạn tới, trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện đầu tư mới các nhà máy chế biến mủ cao su gắn liền với vùng nguyên liệu ổn định, có quy mô công suất phù hợp.
Địa phương tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh nghiên cứu đầu tư các nhà máy sản xuất cao su tinh chế. Tỉnh sẽ thực hiện quy hoạch phát triển cao su trên cơ sở nhu cầu của thị trường; đồng thời, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Các tiến bộ khoa học công nghệ sẽ được áp dụng mạnh mẽ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm cao su trên thị trường.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương quan tâm chỉ đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam nghiên cứu, khảo sát và đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất các sản phẩm cao su tinh chế như: các loại nệm, dây curoa, băng tải; các loại săm, lốp ô tô... Qua đó nhằm kịp thời tiêu thụ sản phẩm cao su mủ cốm hiện có, góp phẩn đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh.